Chính phủ Italy mới đây đã phải thừa nhận đã quá lạc quan khi kỳ vọng vào sự phục hồi tăng trưởng kinh tế trong thời gian ngắn.
Nền kinh tế lớn thứ 3 của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã liên tục thụt lùi trong quý 2/2014. Thực tế này đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu tăng trưởng GDP 0,8% trong năm 2014 mà chính phủ của ông Matteo Renzi đặt ra hồi tháng 4.
Đây là nguyên nhân mà Italy đã kêu gọi một sáng kiến phối hợp từ phía các đối tác Châu Âu để vượt qua sự trì trệ kéo dài và khôi phục lòng tin vào nền kinh tế vĩ mô.
Trên thực tế, tâm lý người tiêu dùng Italy đã ở xu hướng thoái trào trong suốt 3 tháng liền (tính cho đến tháng 8) và đây cũng là mức tiêu cực nhất kể từ tháng 3 trở lại đây. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Báo cáo mới công bố của Cơ quan thống kê nhà nước Italy (ISTAT) cho thấy, tỉ lệ thất nghiệp trong 7 của Italy đã giảm so với tháng trước đó, nhưng vẫn còn ở mức rất cao, 12,6%.
Cũng theo ISTAT, lần đầu tiên kể từ năm 1959, Italy rơi vào tình trạng giảm phát, một dấu hiệu cho thấy một khi niềm tin của người tiêu dùng và các doanh nghiệp giảm do khủng hoảng kinh tế, việc kích cầu trở thành một ưu tiên hàng đầu của chính phủ. ISTAT cho biết, chỉ số niềm tin của doanh nghiệp vào nền kinh tế trong tháng 8 đã giảm 2,6 điểm so với tháng 7, chủ yếu do các ngành sản xuất, du lịch và dịch vụ chịu tác động mạnh của khủng hoảng.
Nền kinh tế Italy là một trong những nền kinh tế kém năng động nhất trong hai thập kỷ vừa qua. Mức GDP của Italy ngày nay hiện thấp hơn GDP của nước này vào năm 2000.
Kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Matteo Renzi đã nhiều lần yêu cầu EC cho Italy một thời hạn dài hơn để nước này giảm các khoản nợ công theo quy định chung./.