Chính phủ liên minh cầm quyền tại Malaysia sắp tan rã?

Khả năng chính phủ của Liên minh Hy vọng (PH) cầm quyền tại Malaysia có thể sẽ không tồn tại qua tháng 5/2020 do đảng Hành động Dân chủ (DAP) có thể sẽ sớm rút khỏi liên minh này.
Chính phủ liên minh cầm quyền tại Malaysia sắp tan rã? ảnh 1Thủ tướng Mahathir Mohamad (trái) và Chủ tịch đảng Công lý Nhân dân Anwar Ibrahim. (Nguồn: Malay Mail)

Tờ Malaysia Today vừa có bài viết về khả năng chính phủ của Liên minh Hy vọng (PH) cầm quyền tại Malaysia có thể sẽ không tồn tại qua tháng 5/2020 do đảng Hành động Dân chủ (DAP) có thể sẽ sớm rút khỏi liên minh này.

Mặc dù đây là một viễn cảnh khó có thể trở thành sự thực ở thời điểm hiện tại, song những gì bài báo nói đến cũng phần nào phản ánh những "cơn sóng ngầm" trong nội bộ PH.

Theo bài viết được đăng hôm 7/1, một chính phủ đoàn kết mới sẽ thay thế cho chính phủ hiện tại của PH.

DAP sau khi rút khỏi PH sẽ trở lại vị trí đối lập quen thuộc của họ, công việc mà đảng này có thể làm tốt nhất.

[Cục diện chính trị mới đặt Chính phủ Malaysia trước lựa chọn khó khăn]

Giữa Thủ tướng Mahathir và Chủ tịch đảng Công lý Nhân dân (PKR) Anwar Ibrahim, người dân Malaysia tin tưởng ông Mahathir hơn.

Chính trường Malaysia sẽ lựa chọn người mà người Mã Lai bản địa mong muốn, chứ không phải người mà người gốc Hoa mong muốn.

Những gì DAP đang làm có thể được ví như hành động "giết thịt con ngỗng đang đẻ ra trứng vàng.”

Kể từ năm 1965, thời điểm DAP được thành lập như một đảng ủy nhiệm của đảng Hành động Nhân dân (PAP) ở Singapore, DAP đã nỗ lực đấu tranh để giành quyền lực. Đó là chưa kể đến những nỗ lực trước đó của đảng này thông qua đảng Cộng sản Malaysia.

Cuối cùng, sau 53 năm, DAP đã giành được quyền lực hồi tháng 5/2018 trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14. Nhưng DAP đã không thể thay đổi được những thói quen cũ và đảng này tiếp tục đóng vai "đối lập" ngay trong chính chính phủ của mình.

DAP phản đối mô hình trường quốc gia, chống đối các chính sách lấy người Mã Lai bản địa làm trung tâm, phản đối các chính sách về Hồi giáo và bộ luật Hồi giáo Sharia cũng như chống lại đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) và liên minh Mặt trận Quốc gia (BN).

DAP vẫn là một đảng của những người gốc Hoa thành kiến hẹp hòi, có tư tưởng chống lại mọi thứ liên quan đến Mã Lai Hồi giáo.

Về cơ bản, DAP tiếp tục là diễn đàn cho người gốc Hoa và các vấn đề phi Hồi giáo, chứ không phải là diễn đàn cho các vấn đề thuộc lợi ích quốc gia. Và tất cả những gì DAP lên tiếng đấu tranh như chống lạm dụng quyền lực và chống tham nhũng đã chấm dứt trong ngày PH tiến vào tiếp quản Putrajaya từ tay UMNO và BN.

Dù thế nào, ông Mahathir cũng không được làm Thủ tướng quá thời điểm tháng 5/2020. Sau thời điểm này, đúng hai năm sau khi lên làm Thủ tướng, ông Mahathir phải chuyển giao quyền lực cho ông Anwar Ibrahim.

Chính phủ liên minh cầm quyền tại Malaysia sắp tan rã? ảnh 2Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Có thể nói, ông Mahathir chỉ là "vị khách" trong ngôi nhà của DAP.

Tuy nhiên, có một điều cần biết về Mahathir, đó là ông sẽ không bao giờ chấp nhận vị thế lệ thuộc, vai diễn mà DAP muốn ông đóng.

Song ông Mahathir có thể làm gì? DAP cho ông Mahathir công việc và DAP cũng có thể lấy lại. Và trong tháng 5 tới, DAP sẽ lấy lại công việc đã giao cho ông Mahathir (chức Thủ tướng).

Như vậy, ông Mahathir chỉ còn ít tháng nữa để hành động. Việc đầu tiên ông Mahathir cần làm là gỡ vòng kiềm tỏa của DAP.

Để làm được điều này, trước tiên ông Mahathir phải có được số ghế tại Hạ viện ngang bằng với số ghế đang nằm trong tay DAP và Anwar, người mà DAP ủng hộ. Muốn vậy, ông Mahathir phải liên minh với đảng Hồi giáo liên Malaysia (PAS), UMNO, PKR, Amanah và các đảng đến từ Sabah và Sarawak để có thể thành lập một chính phủ liên minh mới thay thế cho chính phủ PH hiện tại.

Hiện tại, có 135 trong tổng số 222 ghế tại Hạ viện đang nằm dưới sự "kiểm soát" của ông Mahathir. Vì thế, việc thành lập chính phủ mới là điều có thể xảy ra.

Những bên cam kết ủng hộ ông Mahathir gồm có đảng PAS, Chủ tịch UMNO Ahmad Zahid Hamidi, Hishammuddin Hussein (cựu Bộ trưởng Quốc phòng, đảng viên UMNO), Mohamad Hasan (Phó chủ tịch UMNO), khoảng 5 nghị sỹ của đảng Amanah, gần một nửa số nghị sỹ của PKR và một số nghị sỹ đến từ Sabah và Sarawak.

Về phía cựu Thủ tướng Najib Razak, ông này chưa đưa ra lập trường của mình và hiện ông Najib đối thoại với cả ông Anwar lẫn ông Mahathir.

Trong khi đó, Lokman Noor Adam - thành viên Hội đồng tối cao UMNO, lại kịch liệt phản đối ý tưởng lập chính phủ liên minh với ông Mahathir. Chính vì lý do này, ông Mahathir muốn loại Lokman ra khỏi bộ máy./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục