Ngày 14/8, Chính phủ Nam Sudan tuyên bố rút khỏi các cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 20 tháng qua ở nước này.
Quyết định này được đưa ra do sự chia rẽ trong lực lượng phiến quân, bất chấp các đe dọa trừng phạt của quốc tế.
Phát biểu với báo giới tại Dinh Tổng thống Nam Sudan sau cuộc gặp của các thống đốc bang với Tổng thống Salva Kiir, ông Louis Long, một trong 10 thống đốc bang có thế lực ở Nam Sudan, cho biết: "Chúng tôi đình chỉ đàm phán cho đến khi hai phe phiến quân giải quyết được những bất đồng của họ."
Xung đột ở Nam Sudan bùng phát vào tháng 12/2013, khi Tổng thống Kiir cáo buộc Phó Tổng thống khi đó là ông Riek Machar âm mưu đảo chính.
Các vụ tấn công giữa hai bên cùng với các vụ xung đột sắc tộc đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người ở nước này.
Ngày 23/7 vừa qua, nhóm trung gian hòa giải của Cơ quan Phát triển liên chính phủ Đông Phi (IGAD) đề xuất dự thảo thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc với việc Tổng thống Kiir và cựu Phó Tổng thống Machar chia sẻ quyền lực. IGAD trông chờ ông Kiir và ông Machar ký tắt văn bản trên trong cuộc đàm phán vào ngày 13-14/8 tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.
Tuy nhiên, các tướng lĩnh hàng đầu của lực lượng phiến quân mới đây tuyên bố họ đã tách khỏi ông Machar vì cho rằng ông này tìm cách giành quyền lực cho riêng mình, đồng thời cho biết họ sẽ không công nhận bất cứ thỏa thuận nào đạt được.
Mặc dù phía chính phủ tuyên bố dừng đàm phán, nhưng các cuộc thương lượng vẫn diễn ra trong ngày 14/8 tại Ethiopia, trong khi phái đoàn đàm phán của chính phủ vẫn không tiết lộ về tương lai cuộc hòa đàm.
Trong bối cảnh sức ép quốc tế ngày càng tăng, với hạn chót đặt ra cho các bên ở Nam Sudan đạt thỏa thuận hòa bình là ngày 17/8 tới, chưa rõ liệu Tổng thống Salva Kiir có đến Addis Ababa gặp cựu Phó Tổng thống và cũng là thủ lĩnh phiến quân Riek Machar hay không.
Các nhà ngoại giao ngày 14/8 vẫn bày tỏ hy vọng hai bên có thể đạt được một thỏa thuận./.