Chính phủ Nhật Bản đánh giá nền kinh tế đang hồi phục vừa phải

Nhật Bản ngày 28/8 công bố báo cáo đánh giá nền kinh tế nước này đang hồi phục vừa phải trong tháng Tám và đây là tháng thứ 3 liên tiếp nước này giữ nguyên đánh giá về nền kinh tế.
Chính phủ Nhật Bản đánh giá nền kinh tế đang hồi phục vừa phải ảnh 1Vận chuyển hàng hóa tại cảng ở Tokyo, Nhật Bản ngày 18/5 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Nhật Bản ngày 28/8 công bố báo cáo đánh giá nền kinh tế nước này đang hồi phục vừa phải trong tháng Tám và đây là tháng thứ ba liên tiếp Chính phủ Nhật Bản giữ nguyên đánh giá về nền kinh tế.

Đánh giá trên đưa đến nhận định giai đoạn tăng trưởng hiện nay, bắt đầu từ tháng 12/2012 sẽ tiếp tục và vượt thời kỳ bùng nổ kéo dài 57 tháng (từ năm 1965 đến năm 1970), giai đoạn tăng trưởng dài thứ hai thời hậu chiến ở Nhật Bản..

[Chỉ số giá tiêu dùng của Nhật Bản tăng bảy tháng liên tiếp]

Kinh tế Nhật Bản trong quý ​2 vừa qua đạt tốc độ tăng trưởng 4% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng nhanh nhất trong hai năm, nhờ chi tiêu tiêu dùng và đầu tư doanh nghiệp mạnh cũng như đầu tư công tăng.

Với những tác động của ngân sách bổ sung cho tài khóa 2016, Chính phủ Nhật Bản đã cập nhật đánh giá về đầu tư công, nhận định đầu tư công đang tăng, thay vì "đang trở nên ổn định hơn" như được nêu trong báo cáo vào tháng Bảy.

Trong khi đó, theo báo cáo, chi tiêu tiêu dùng, đóng góp gần 60% GDP của Nhật Bản, đang tăng vừa phải và cả đầu tư doanh nghiệp cùng với xuất khẩu cũng đi lên.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng tốc độ tăng trưởng cao như trong quý trước sẽ được duy trì, nhất là trong tiêu dùng, do tăng trưởng lương chưa đủ mạnh.

Trong những tuần gần đây, tình trạng bấp bênh gia tăng ở các nền kinh tế khác, trong đó có những rủi ro địa chính trị bắt nguồn từ chương trình hạt nhân của C​ộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, gây tác động đến các thị trường tài chính và thị trường vốn.

Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản vẫn đánh giá kinh tế toàn cầu đang hồi phục vừa phải, giữ nguyên đánh giá này tháng thứ năm liên tiếp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.