Chính phủ Nhật Bản đồng ý cho Myanmar vay 250 triệu USD

Thủ tướng Nhật Bản thông báo Chính phủ nước này đã đồng ý cho Myanmar vay 25,8 tỷ yen (khoảng 250 triệu USD) để hỗ trợ cho các dự án phát triển.
Chính phủ Nhật Bản đồng ý cho Myanmar vay 250 triệu USD ảnh 1Một nhà máy tại Myanmar. (Nguồn: economists-pick-research.hktdc.com)

Trong cuộc hội đàm sáng 13/11 với Tổng thống Myanmar U Thein Sein bên lề chuỗi sự kiện Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 25 tại thủ đô Nay Pyi Taw, Thủ tướng Shinzo Abe thông báo Chính phủ Nhật Bản đã đồng ý cho Myanmar vay 25,8 tỷ yen (khoảng 250 triệu USD) để hỗ trợ cho các dự án phát triển.

Khoản vay này sẽ được sử dụng để phát triển cơ sở hạ tầng của một cảng biển và một số công ty điện lực ở Thilawa, miền Nam Myanmar, cũng như củng cố mạng lưới phân phối điện của nước này, đồng thời giúp các ngân hàng cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tại cuộc hội đàm, ông Abe cũng tuyên bố ủng hộ tiến trình kiến tạo hòa bình và dân chủ hóa của Myanmar.

Cùng ngày, ông Abe tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 9 và Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN+3 (ASEAN với 3 đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) lần thứ 17.

Trước đó, vào ngày 12/11, ông Abe đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Nhật Bản lần thứ 17 và Hội nghị Thượng đỉnh Mekong-Nhật Bản lần thứ 6.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Nhật Bản lần thứ 17, các nhà lãnh đạo đã thảo luận việc xúc tiến các hoạt động du lịch giữa ASEAN và Nhật Bản, thực hiện đầy đủ nội dung của thỏa thuận về Khu vực Tự do Thương mại ASEAN-Nhật Bản và hợp tác khu vực thông qua Đặc khu kinh tế Thilawa mà Nhật Bản là nhà đầu tư lớn.

Cũng tại hội nghị này, lãnh đạo các nước đã trao đổi ý kiến về việc thực hiện các kế hoạch được thông qua ở Hội nghị Thượng đỉnh Kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản tổ chức tháng 12/2013 ở Nhật Bản và thúc đẩy chương trình ứng phó thảm họa ASEAN-Nhật Bản, đồng thời thảo luận công việc trù bị cho Hội nghị Thế giới lần thứ 3 về Giảm thiểu Rủi ro Thảm họa dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 14-18/3/2015 tại thành phố Sendai, tỉnh Miyagi, Nhật Bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.