Văn phòng Chính phủ vừa thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại buổi họp về công tác tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân do sạt lở đất tại Trạm quản lý bảo vệ rừng 67 và thủy điện Rào Trăng 3.
Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cần tập trung chỉ đạo các giải pháp cấp bách như: triển khai ngay lực lượng, phương tiện để tìm kiếm cứu nạn đối với những người còn bị mất liên lạc với tinh thần quyết liệt nhất, tiếp cận nhanh nhất, ứng cứu kịp thời, hiệu quả nhất, nhằm giảm thiểu những thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân và lực lượng cứu nạn.
Triển khai tìm kiếm cứu nạn nhanh nhất, hiệu quả nhất
Ngày 13/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã kiểm tra, chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn đối với các nạn nhân do sạt lở đất tại Trạm quản lý bảo vệ rừng 67 và thủy điện Rào Trăng 3 trên địa bàn huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các cơ quan: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai), Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và Tư lệnh Quân khu 4; về phía tỉnh Thừa Thiên-Huế có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan có liên quan.
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế, Tư lệnh Quân khu 4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng kết luận, chỉ đạo như sau: Những ngày vừa qua, các tỉnh miền Trung, nhất là tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xảy ra đợt mưa lũ đặc biệt lớn, nhiều nơi tổng lượng mưa trên 2000mm trong vài ngày, lũ trên một số tuyến sông đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999, nhiều tuyến giao thông, khu dân cư bị ngập sâu, chia cắt, cô lập, nhiều khu vực xảy ra sạt lở đất đá ảnh hưởng đến công trình cơ sở hạ tầng, nhà cửa, tính mạng của nhân dân, trong đó nghiêm trọng nhất là sự cố sạt lở tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3 và khu vực Trạm quản lý bảo vệ rừng 67 nơi đoàn công tác đi cứu hộ, cứu nạn dừng chân, làm nhiều cán bộ, chiến sỹ của đoàn đi cứu hộ, cứu nạn và công nhân của công trình thủy điện Rào Trăng 3 bị nạn đến nay vẫn mất liên lạc. Đây là sự cố hết sức nghiêm trọng, còn nhiều người bị mất liên lạc.
Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều công điện, ý kiến chỉ đạo đến các bộ, ngành, địa phương, lực lượng vũ trang để tập trung triển khai công tác ứng phó với mưa lũ và tìm kiếm, cứu nạn đối với những người còn bị mất liên lạc. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng chia sẻ những khó khăn, đau buồn, mất mát, lo âu của gia đình những người bị mất tích, gia đình những người bị chết do thiên tai, nhất là gia đình những người đang bị mất liên lạc do sạt lở đất.
[Vụ sạt lở ở Thủy điện Rào Trăng 3: Triển khai 2 hướng tiếp cận cứu nạn]
Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ sẽ làm hết sức mình, tập trung chỉ đạo các lực lượng triển khai tìm kiếm cứu nạn trách nhiệm nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu những thiệt hại. Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự chủ động, tập trung, quyết liệt của các lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế, lãnh đạo Quân khu 4 và các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là của lực lượng vũ trang và người dân trong triển khai công tác ứng phó với mưa lũ và tìm kiếm cứu nạn. Tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quân khu 4 đã kịp thời thành lập Sở Chỉ huy tiền phương, huy động phương tiện, lực lượng cần thiết triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn.
Tập trung các giải pháp cấp bách
Hiện nay còn nhiều người mất liên lạc do sự cố sạt lở đất tại các khu vực nêu trên, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện các công điện, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, cần tập trung chỉ đạo các giải pháp cấp bách như: triển khai ngay lực lượng, phương tiện để tìm kiếm cứu nạn đối với những người còn bị mất liên lạc với tinh thần quyết liệt nhất, tiếp cận nhanh nhất, ứng cứu kịp thời, hiệu quả nhất theo phương án của Ban Chỉ đạo tiền phương dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế, nhằm giảm thiểu những thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân và lực lượng cứu nạn.
Cụ thể: Bộ Quốc phòng huy động lực lượng, phương tiện phục vụ cứu hộ, cứu nạn, triển khai máy bay trực thăng sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu nạn khi điều kiện thời tiết cho phép; chỉ đạo, hỗ trợ lực lượng quân y, trang thiết bị y tế để kịp thời cứu chữa những người bị thương.
Ban Chỉ đạo tiền phương do Tư lệnh Quân khu 4 làm Trưởng ban trực tiếp chỉ huy các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn phối hợp thực hiện phương án tìm kiếm cứu nạn theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và các đơn vị có liên quan hỗ trợ ngay các phương tiện cơ giới, vật tư, thiết bị chuyên dùng theo đề nghị của địa phương và Ban Chỉ đạo tiền phương để khẩn trương thông tuyến Tỉnh lộ 71 và các tuyến giao thông cần thiết phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn.
Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Quân khu 4 chủ động đề xuất, thông qua Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xuất cấp, huy động mọi phương tiện, thiết bị cần thiết, phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn và cấp cứu người bị thương.
Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng y bác sĩ triển khai ngay phương án để kịp thời cấp cứu, chữa trị cho những người còn sống sau khi tìm thấy; đồng thời chủ động chỉ đạo, hướng dẫn bảo đảm vệ sinh môi trường sau mưa lũ, không để bùng phát dịch bệnh.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế thường xuyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả công tác tìm kiếm cứu nạn và các vấn đề khác có liên quan đến công tác tìm kiếm cứu nạn; chỉ đạo chủ các công trình thủy điện liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện tối đa, kịp thời cho các lực lượng tham gia cứu nạn; phân công người phát ngôn làm đầu mối hàng ngày cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình, tiến độ công tác tìm kiếm cứu nạn cho cơ quan thông tin báo chí.
Trong những ngày tới, thiên tai còn phức tạp, nguy cơ cao tiếp tục xảy ra mưa lũ lớn tại khu vực Trung Trung Bộ. Vì vậy, các địa phương (trong đó có Thừa Thiên-Huế) cần kịp thời hỗ trợ bảo đảm đời sống cho người dân, nhất là về lương thực, nhu yếu phẩm đối với những hộ có nguy cơ thiếu đói, những hộ khó khăn, đặc biệt là tại những khu vực dân cư đang còn bị ngập sâu, cô lập, không để người dân bị đói, rét, không có chỗ ở, bệnh tật không được cứu chữa; tiếp tục tập trung chỉ đạo và chủ động triển khai ứng phó với thiên tai, đặc biệt lưu ý bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, an toàn hồ đập, đề phòng sạt lở đất, lũ quét./.