Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh là một chủ trương lớn, có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và là cơ hội cho thành phố trong việc tổ chức bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển và vai trò của một đô thị đặc biệt.
Công việc phía trước vẫn còn nhiều ngổn ngang nhưng ngay từ thời điểm này, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương, nỗ lực xây dựng, hoàn thiện đề án để thực hiện ngay khi Nghị quyết của Quốc hội được ban hành.
Lấp “khoảng trống” giữa người dân với chính quyền
Đánh giá việc không tổ chức Hội đồng Nhân dân trong đề án tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Văn Nhiêm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng điểm mới lần này là bỏ thí điểm để thực hiện luôn.
Về thực tiễn và lý luận, Hội đồng Nhân dân là hiện thân của dân chủ, đại diện của công dân ở quận và phường, là cầu nối và tiếng nói, ý chí của người dân đến chính quyền. Vì thế, khi thực hiện không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, phường phải tìm cơ chế phù hợp lấp vào khoảng trống đó, để có thể nói lên tiếng nói của người dân và thực hiện vai trò giám sát Ủy ban nhân dân quận, phường.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Văn Nhiêm, khi Hội đồng Nhân dân không còn, phải định vị lại vai trò giám sát quyền lực của Đảng tại quận, phường (quận ủy, Đảng ủy phường), vai trò giám sát, kiểm tra, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể ở quận, phường; đồng thời xem xét, điều chỉnh vai trò của báo chí, truyền thông trong việc chủ động phản ánh tâm tư, mọi ngóc ngách đời sống nhân dân.
Mặt khác, khi không còn Hội đồng Nhân dân quận, phường, cần có sự thay đổi phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp Thành phố, có thể tăng số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân, gắn trách nhiệm, vai trò cầu nối cụ thể của từng đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố với người dân.
Trong khi đó, Thạc sỹ Lưu Đức Quang, Giảng viên chuyên ngành Luật Hiến pháp-Hành chính, Trường Đại học Kinh tế-Luật thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng nội dung của mô hình không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, phường không quá mới so với giai đoạn thí điểm trước kia.
Điểm nổi bật chính nằm ở bối cảnh hiện nay khi cơ sở pháp lý cho việc áp dụng mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh vô cùng thuận lợi khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 đã có hiệu lực cùng với Nghị quyết 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
[Chính quyền đô thị TP.HCM: Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước]
Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã có kinh nghiệm thực tiễn hơn 6 năm (2009-2016) từ thành công quá trình thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường nên có quyền hy vọng vào việc triển khai chính thức mô hình này.
Giải 3 câu hỏi lớn về thành phố Thủ Đức
Trong đề án chính quyền đô thị, người dân Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc thành lập thành phố Thủ Đức. Đánh giá mô hình “thành phố trong thành phố” này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Văn Nhiêm cho rằng, mô hình này không phải là bước đột phá về mặt tư tưởng mà đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố Trung ương đầu tiên thực hiện điều này.
“Thành phố Thủ Đức chỉ tương đương đơn vị cấp quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh. Công việc phía trước còn rất ngổn ngang. Muốn thực hiện hiệu quả đề án này, sẽ phải đề xuất Trung ương, Quốc hội cho phép thẩm quyền của thành phố Thủ Đức cao hơn cấp quận, huyện. Về căn bản, đề án thành phố Thủ Đức phải trả lời cho được 3 câu hỏi lớn: Người dân, doanh nghiệp được cái gì, Thành phố Hồ Chí Minh được cái gì và Trung ương, cả nước được cái gì?,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Văn Nhiêm nêu ý kiến.
Theo Thạc sỹ Lưu Đức Quang, nếu phân chia đơn vị hành chính bất hợp lý, không am hiểu về điều kiện kinh tế-xã hội của đơn vị hành chính sẽ khó phát huy tối đa hiệu năng của chính quyền địa phương.
Đơn cử, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tuy được xác định là một trong ba cực tăng trưởng của thành phố Thủ Đức trong tương lai lại đang nằm trên địa bàn của hai đơn vị hành chính là quận Thủ Đức-Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Dĩ An-tỉnh Bình Dương. Thực tế, các địa bàn giáp ranh luôn tạo ra những thách thức về quản lý nhà nước, thậm chí tạo ra nhiều bất ổn về an ninh trật tự, chồng chéo về quy hoạch phát triển hạ tầng…
Theo lý thuyết cực tăng trưởng: Một vùng không có sự phát triển đồng đều ở mọi điểm trên lãnh thổ của nó theo cùng một thời gian, mà có xu hướng phát triển mạnh ở một số điểm nào đó.
Các điểm phát triển mạnh và nhanh này thường có ưu thế, lợi thế so với toàn vùng và được gọi là các cực tăng trưởng. Câu hỏi đặt ra là, tại sao lại không mạnh dạn tái cấu trúc địa giới Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thành một phường (ví dụ như đặt tên là phường Đại học chẳng hạn) trực thuộc thành phố Thủ Đức để xứng tầm với vùng này?
“Việc thành phố Thủ Đức vẫn là đơn vị hành chính ngang với quận, huyện không phải là “nút thắt” cần tháo gỡ cho sự phát triển có tính đột phá. Thực tế không thiếu khuôn khổ pháp lý giúp chính quyền địa phương đủ tiềm lực quản trị với cơ chế phân định thẩm quyền thông qua hình thức phân cấp, phân quyền, thậm chí là ủy quyền cho cơ quan hành chính Nhà nước các cấp.
Vấn đề đặt ra là có thể tạo cơ chế dành cho thành phố Thủ Đức phù hợp với đặc thù địa phương, đồng bộ với thẩm quyền giữa các cấp, các lĩnh vực và có đủ quyết tâm chính trị hay không. Hai lĩnh vực quản lý hiện có nhiều vấn đề nổi cộm, gây nhiều bức xúc trong nhân dân và tạo “điểm nghẽn” cho sự phát triển mang tính đột phá của thành phố Thủ Đức chính là quy hoạch treo và hạ tầng giao thông thiếu kết nối.
Nhà quản trị cũng là một yếu tố mang tính bổ trợ. Vậy tại sao không mạnh dạn bố trí một Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng hoặc Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức?,” Thạc sỹ Lưu Đức Quang nêu quan điểm.
Dưới góc độ quy hoạch, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, nếu xem thành phố Thủ Đức như một quận lớn, bản thân thành phố này không có cấp quận, lãnh đạo thành phố Thủ Đức chỉ có quyền hành ngang cấp quận của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ rất yếu về quyền hạn, không tương xứng với trách nhiệm, dẫn tới việc làm gì cũng phải chờ cấp cao hơn phê duyệt, mất nhiều thời gian.
Vì thế, nếu ngay từ đầu không có một cơ chế khác biệt cho thành phố Thủ Đức sẽ khó có thể thành công. Cùng với đó, phải giải quyết bài toán về nguồn lực tài chính từ nguồn vốn xã hội hóa dựa trên những bản quy hoạch đủ sức hấp dẫn doanh nghiệp cũng như tạo ra tương đương số lượng việc làm thu nhập cao và môi trường sống chất lượng cao tương xứng.
Trong khi đó, dưới góc độ người dân thụ hưởng quy hoạch thành phố Thủ Đức, anh Huỳnh Tấn Đức, ngụ đường Đình Phong Phú, phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9 băn khoăn: Hiện nay, các giấy tờ, sinh hoạt làm việc, học hành của con cái đều đang được định danh tại quận 9. Khi sáp nhập thành thành phố Thủ Đức, sinh hoạt người dân có bị đảo lộn nhiều không? Từ nay cho đến khi có quy hoạch chính thức, người dân có được mua bán nhà đất trong khu vực dự kiến được quy hoạch khu chức năng của thành phố Thủ Đức hay không?
Đồng quan điểm với người dân về vấn đề nêu trên, theo Luật sư Lê Bá Thường, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, việc sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức sẽ tạo nhiều biến động nên việc quản lý nhân khẩu thường trú, tạm trú và vãng lai sẽ rất khó khăn.
Để hạn chế tốn kém chi phí, thời gian và nhân lực phải làm thủ tục hành chính thay đổi các giấy tờ, cơ quan nhà nước có thể tính đến phương án giữ nguyên tên đường cũ của 3 quận cũ này, tiếp tục sử dụng Chứng minh nhân dân hay Thẻ căn cước công dân, hộ khẩu theo địa chỉ cũ, nhưng cơ quan Công an cấp cho mỗi công dân một quyết định ghi rõ địa chỉ cũ và địa chỉ mới giống như quyết định đổi số nhà. Khi đó, người dân sẽ dùng tờ giấy này để thực hiện các giao dịch dân sự, kinh tế.
Rõ ràng ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phải thực hiện nhiều phần việc để sớm đưa đề án tổ chức chính quyền đô thị đi vào thực tiễn, đạt tính khả thi cao, đáp ứng sự mong đợi của người dân Thành phố. Bởi lẽ đối tượng phục vụ trung tâm và mục đích cuối cùng của chính quyền đô thị chính là phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn thông qua việc tổ chức chính quyền tinh gọn, minh bạch, hoạt động hiệu quả.
Chỉ như vậy, Thành phố mới khai thác tối đa mọi nguồn lực, phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, xứng tầm một đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ của cả nước./.
Chính quyền đô thị TP.HCM: Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước
Những kỳ vọng đột phá từ mô hình thành phố trong thành phố