Chính quyền Donald Trump xem xét lại cách tính thâm hụt thương mại

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xem xét thay đổi cách tính thâm hụt thương mại, một động thái có thể sẽ khiến mức thâm hụt tăng mạnh so với phương pháp trước đây.
Chính quyền Donald Trump xem xét lại cách tính thâm hụt thương mại ảnh 1Bên trong văn phòng Bảo đảm việc làm Illinois ở thành phố Springfield, bang Illinois ngày 29/9. (Nguồn: AP/TTXVN)

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xem xét thay đổi cách tính thâm hụt thương mại, một động thái có thể sẽ khiến mức thâm hụt tăng mạnh so với phương pháp trước đây.

Điều này sẽ tiếp thêm động lực để Mỹ đòi xem xét lại Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) và các hiệp định thương mại khác - tờ Wall Street Journal ngày 19/2 nhìn nhận.

Thay đổi căn bản trong cách tính mới sẽ là loại trừ giá trị hàng hóa xuất khẩu của Mỹ mà trước đó được nhập từ một nước khác (hàng tái xuất).

Phương pháp này sẽ làm gia tăng mức thâm hụt thương mại, vì về cơ bản hàng tái xuất được tính trong tổng giá trị hàng nhập khẩu, nhưng lại không được tính vào danh mục xuất khẩu khi được chuyển từ Mỹ sang nước thứ ba.

Thông tin trên xuất hiện tại thời điểm còn nhiều tranh cãi trong nội bộ chính giới Mỹ về câu hỏi liệu nên giữ, đàm phán lại hay hủy bỏ các hiệp định thương mại hiện hành.

Mức thâm hụt lớn hơn theo cách tính mới sẽ giúp chính quyền Donald Trump có thêm lý do nêu yêu sách đàm phán lại các hiệp định, giành được hậu thuẫn chính trị cho kế hoạch áp thuế hàng nhập khẩu.

Giới chuyên gia nhận định, dữ liệu liên quan đến trao đổi thương mại giữa Mỹ với các nước có hiệp định tự do thương mại sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ cách tính mới này.

Trong một số trường hợp, từ thặng dư thương mại có thể chuyển thành thâm hụt thương mại.

Theo các quan chức thương mại Mỹ, ý tưởng này chỉ là một phần trong kế hoạch bàn thảo trước đó nhằm xem xét nhiều giải pháp khác nhau.

Hiện chưa rõ chính quyền sẽ áp dụng cách thức nào về tính toán thương mại trong các dữ liệu chính thức, hay chỉ sử dụng phương pháp mới cho các hiệp định thương mại mới.

“Việc thảo luận vẫn chưa kết thúc. Chúng tôi đã có cuộc gặp với Bộ Thương mại để nêu câu hỏi liệu có thể chấp nhận cách tính số liệu khác hay không,” ông Payne Griffin, Phó Chánh văn phòng Đại diện thương mại Mỹ chia sẻ.

Đại diện Văn phòng các vấn đề kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ cho biết, các cuộc thảo luận trong nội bộ về phương pháp tính toán dữ liệu là sự tiếp nối của quá trình thương thảo kéo dài, là một phần trong quy trình bình thường nhằm tiến đến một phương pháp chính xác nhất.

Đại diện Cục Thống kê Mỹ nói rằng cơ quan này không hay biết gì về các cuộc thảo luận liên quan đến cách tính mới.

Những người ủng hộ ý tưởng này cho rằng, phương pháp mới sẽ giúp tạo ra một bức tranh rõ ràng hơn về giá trị hàng hóa được ​sản xuất ở một nước và tiêu thụ ở nước khác.

Với việc ưu tiên tập trung cho ngành chế tạo trong nước, chính quyền mới tại Mỹ muốn chỉ tính riêng giá trị hàng xuất khẩu được sản xuất ở Mỹ, chứ không phải là hàng hóa được nhập từ nước ngoài rồi xuất sang nước thứ ba.

Ngược lại, một số chuyên gia kinh tế nhìn nhận, việc loại bỏ giá trị hàng tái xuất trong danh mục xuất khẩu sẽ làm biến chuyển tính hệ thống ​- điều quan trọng nhất trong thống kê số liệu.

Tổng thống Donald Trump luôn chỉ trích chính sách thương mại của những người tiền nhiệm, đổ lỗi cho các hiệp định thương mại trước đây, đặc biệt là NAFTA, là nguyên nhân khiến người lao động Mỹ mất việc làm.

Ông và các cố vấn cũng xem thâm hụt thương mại hàng hóa là một chỉ dấu cho sự yếu kém của kinh tế Mỹ.

Hiện Mỹ vẫn áp dụng phương pháp tính hàng tái xuất thuộc danh mục “tổng mức xuất khẩu” khi lượng định cán cân thương mại.

Năm 2016, Mỹ thâm hụt thương mại 63,1 tỷ USD trong trao đổi hàng hóa với Mexico. Nhưng nếu theo cách tính mới, con số này có thể tăng gần gấp đôi, lên đến 115,4 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.