Chính quyền Hong Kong lo ngại bất ổn đẩy nền kinh tế đi xuống

Những bất ổn xã hội và các cuộc xung đột bạo lực kéo dài 6 tháng qua tại đây đã tác động nặng nề đến các ngành bán lẻ, ăn uống, du lịch, vận tải, khiến tỷ lệ thất nghiệp của Hong Kong gia tăng.
Chính quyền Hong Kong lo ngại bất ổn đẩy nền kinh tế đi xuống ảnh 1Người dân mua sắm tại một khu chợ ở Hong Kong ngày 3/10/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 15/12, Cục trưởng Cục Tài chính Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong Trần Mậu Ba cho biết tuy Chính quyền đã đưa ra 4 gói biện pháp hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp, nhưng nếu lòng tin của các nhà đầu tư vẫn bị suy yếu thì khó có thể ngăn chặn đà đi xuống của nền kinh tế Khu Hành chính đặc biệt này.

Ông Trần Mậu Ba nói rằng những bất ổn xã hội và các cuộc xung đột bạo lực kéo dài 6 tháng qua tại đây đã tác động nặng nề đến các ngành bán lẻ, ăn uống, du lịch, vận tải, khiến tỷ lệ thất nghiệp của Hong Kong gia tăng. Vì vậy, sức ép lên nền kinh tế của Khu Hành chính Đặc biệt này vẫn còn rất lớn.

Cục trưởng Tài chính Trần Mậu Ba cảnh báo nếu nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng nhanh hơn dự kiến vào năm tới mà Hong Kong vẫn chưa thoát khỏi tình trạng bạo lực và tê liệt nhiều tháng qua, thì một số nhà đầu tư quốc tế dự định đến Hong Kong phát triển hoặc mở rộng kinh doanh sẽ không còn kiên nhẫn. Họ có thể chuyển đến đầu tư ở các khu vực hoặc thành phố khác của Trung Quốc, gây ảnh hưởng bất lợi lâu dài đối với Hong Kong.

Ngoài ra, ông Trần Mậu Ba cũng nêu rõ trong năm qua, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây trở ngại cho nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù hai nước đã đạt được thỏa thuận thương mại  “Giai đoạn 1,” song vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt.

Chính quyền Hong Kong đang thăm dò ý kiến của người dân về “Dự thảo ngân sách tài chính” năm 2020.

Dự thảo mới này vẫn lấy phương châm cơ bản là hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo việc làm.

Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, chính quyền cũng phải quan tâm đến việc chấn hưng nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.