Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nổi bật của địa phương tuần qua

Trong tuần từ 18-23/10, các địa phương đã có một số chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh và hỗ trợ cuộc sống cho người dân do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nổi bật của địa phương tuần qua ảnh 1(Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN)

Trong tuần từ 18-23/10, các địa phương đã có một số chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh và hỗ trợ cuộc sống cho người dân do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Tại Hà Nội, tính đến ngày 30/9 Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI) đã giảm giá điện, tiền điện trong 4 đợt cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên địa bàn Thủ đô là 1.850 tỷ đồng (trước thuế).

Cụ thể, đợt giảm giá điện đầu tiên áp dụng cho khách hàng sản xuất kinh doanh, khách hàng sinh hoạt, khách hàng là cơ sở lưu trú du lịch, bán buôn điện nông thôn, bán buôn điện khu tập thể, cụm dân cư, bán buôn cho tổ hợp thương mại, dịch vụ, sinh hoạt, bán buôn điện cho chợ, điện khu công nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở phòng chống dịch COVID-19.

Số khách hàng được giảm tiền điện, giảm giá điện đợt 1 là trên 2,5 triệu khách hàng với tổng số tiền giảm trước thuế trên 891,3 tỷ đồng.

Trong đợt 2, các cơ sở lưu trú du lịch, khách hàng có kho chứa hàng hóa trong quá trình lưu thông, các cơ sở phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 là những thành phần được giảm tiền điện. Tổng số khách hàng được giảm tiền điện, giảm giá điện đợt này là trên 2,3 triệu khách hàng với tổng số tiền giảm trước thuế trên 368,2 tỷ đồng.

Các đợt giảm tiền điện 3 và 4, toàn địa bàn Hà Nội có trên 2,3 triệu khách hàng với tổng số tiền điện giảm trước thuế trên 591 tỷ đồng. Trong số đó, đối tượng được hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện đợt 3 là cơ sở lưu trú du lịch, các cơ sở phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 không thu phí.

Đối tượng hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 4 là các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt, cơ sở cách ly y tế tập trung phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian có người đang thực hiện cách ly y tế.

[Mất việc làm và giảm thu nhập do COVID-19 đang làm gia tăng nghèo đói]

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết về lùi thời gian thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển (thu phí hạ tầng cảng biển) trên địa bàn thành phố đến ngày 1/4/2022, thay vì từ ngày 1/10/2021.

Đây là lần thứ 2 Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định lùi thời gian thu phí hạ tầng cảng biển do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và cũng là góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh do tác động của dịch bệnh.

Tại Cần Thơ, Sở Công Thương thành phố đã ban hành hướng dẫn tạm thời về việc cho phép chợ trên địa bàn thành phố hoạt động trở lại nhằm tạo điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới, từng bước phục hồi thương mại dịch vụ ở địa phương nhưng phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.

Theo đó, điều kiện để chợ hoạt động trở lại đối với những chợ tại địa bàn đang được cơ quan thẩm quyền đánh giá cấp độ 1, cấp độ 2 và cấp độ 3 thì khách hàng phải thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định (PC-Covid, Sổ Sức khỏe điện tử, VNEID...) để khai báo y tế khi đến chợ. Nếu có triệu chứng như ho, sốt, đau họng, mất vị giác, khứu giác... sẽ không được vào chợ.

Tại Hậu Giang, ngành giao thông tỉnh đã có kế hoạch hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh để thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Theo đó, các đơn vị trong ngành giao thông vận tải xây dựng và triển khai phương án tổ chức vận tải bảo đảm tuân thủ quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Các đơn vị nắm bắt thông tin về luồng tuyến, hành trình, cấp dịch do địa phương công bố; công bố công khai các yêu cầu vận chuyển đối với hành khách theo quy định.

Cụ thể các biện pháp như trước, trong và sau chuyến đi, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, người đi theo xe nếu có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở... thì cần theo dõi sức khỏe và thông báo ngay cho đơn vị vận tải, cơ quan y tế địa phương để triển khai quy trình xử lý dịch theo quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.