Trong thời gian toàn thành phố giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng, chống dịch COVID-19 (từ 16/8-6/9), chính quyền Đà Nẵng đã triển khai gói an sinh xã hội chưa từng có: hỗ trợ 500.000 đồng/hộ đối với toàn bộ các hộ dân, hộ thuê trọ trên địa bàn thành phố.
Đây là chính sách hỗ trợ mang tính khẩn cấp, nhằm chia sẻ khó khăn với người dân trong thời gian “ai ở đâu ở yên đấy" nhưng thực tế quá trình triển khai tại một số địa phương còn nhiều bất cập.
Ngoài những chính sách của Trung ương, Đà Nẵng đã triển khai nhiều chính sách riêng hỗ trợ người dân khó khăn trong đợt dịch COVID-19. Đặc biệt là các Quyết định số 2840/QĐ-UBND và 2903/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố quy định hỗ trợ tất cả các hộ dân số tiền 500.000 đồng/hộ nhận được sự ủng hộ, đồng tình của người dân thành phố. Nhưng trong thực tế triển khai đã phát sinh một số bất cập như số liệu thống kê ban đầu không khớp với số liệu thực tế, phát sinh nhiều hộ dân chưa được nhận hỗ trợ, công tác rà soát, kiểm tra sau hỗ trợ còn chưa chặt chẽ...
Phát sinh hàng chục nghìn hộ dân chưa được nhận hỗ trợ
Theo Quyết định số 2840/QĐ-UBND ngày 23/8/2021, UBND thành phố Đà Nẵng hỗ trợ bằng tiền mặt trị giá 500.000 đồng/hộ đối với 142.064 hộ dân gặp khó khăn vì dịch COVID-19. Sau đó, do tình hình dịch bệnh phức tạp và thời gian giãn cách kéo dài, Ủy ban Nhân dân thành phố tiếp tục ban hành Quyết định số 2903/QĐ-UBND ngày 3/9/2021 hỗ trợ 226.225 hộ dân còn lại (ngoài các hộ đã hỗ trợ theo Quyết định 2840), với mức hỗ trợ 500.000 đồng/hộ, tổng kinh phí hơn 113 tỉ đồng.
Như vậy, sau 2 chính sách hỗ trợ này, các hộ dân có hộ khẩu và các hộ thuê trọ trên địa bàn thành phố đều được nhận hỗ trợ, đảm bảo không bỏ sót một hộ dân nào.
[Đà Nẵng: Hỗ trợ nữ đoàn viên công đoàn gặp khó khăn do dịch COVID-19]
Nhưng sau khi triển khai thực tế, đến đầu tháng 11/2021 vẫn còn nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố chưa nhận được tiền hỗ trợ. Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết trong quá trình triển khai các chính sách, do các địa phương vừa phải chống dịch, vừa làm nhiều công tác an sinh xã hội, thời gian gấp nên việc lập danh sách còn thiếu sót. Vì vậy, Sở đã phối hợp với các địa phương để rà soát lại, tham mưu thành phố tiếp tục bổ sung hỗ trợ cho 37.569 hộ còn thiếu, với tổng số tiền hơn 18,7 tỷ đồng. Thành phố đang hoàn thiện các thủ tục để chi tiền hỗ trợ các hộ dân này.
Tuy nhiên, khi phóng viên tìm hiểu trong danh sách đề nghị bổ sung hơn 37.569 hộ dân của Sở đã phát hiện nhiều địa phương có số liệu chênh lệch rất lớn, không chỉ là sai sót thông thường. Đơn cử, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) đề nghị bổ sung thêm 4.993 hộ (tăng 43% so với số liệu ban đầu là 11.470 hộ); phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) đề nghị bổ sung 3.105 hộ, tăng 31%; phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) đề nghị bổ sung 2.544 hộ, tăng 30%...
Bên cạnh đó, một số phường đề nghị bổ sung với số liệu rất chẵn, rất tròn như: phường Hải Châu 1 bổ sung 450 hộ, phường Thuận Phước 1.750 hộ, phường Bình Thuận 1.000 hộ, phường Hòa Thuận Đông 200 hộ, phường Hòa Thuận Tây 700 hộ, phường Hòa Xuân 800 hộ...
Có hộ khẩu thường trú vẫn bị thống kê thiếu
Để rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã tìm hiểu thực tế tại quận Liên Chiểu, nơi đề nghị thành phố cấp kinh phí hỗ trợ bổ sung cho 10.932 hộ dân.
Tại quận Liên Chiểu, địa phương đề nghị bổ sung nhiều nhất là phường Hòa Khánh Nam, tổng cộng 4.993 hộ chưa được nhận tiền hỗ trợ, trong đó 1.702 hộ là dân cư thường trú, còn lại là các hộ thuê trọ. Nếu như các hộ thuê trọ có khả năng thay đổi thì các hộ dân có hộ khẩu thường trú ở phường là số liệu không đổi, nên phường phải nắm rõ để quản lý hành chính. Nhưng vẫn có hàng ngàn hộ dân thường trú bị phường “bỏ sót” khi hỗ trợ.
Lý giải về việc này, ông Thân Đức Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Hòa Khánh Nam cho biết: “Nguyên nhân do khi lập danh sách ban đầu, các tổ dân phố không nắm được chủ trương là hỗ trợ theo hộ, lại tính theo nóc nhà. Trong một nhà có thể chia ra nhiều hộ khẩu nên bị bỏ sót.”
Tương tự, tại phường Hòa Minh đề nghị bổ sung 2.290 hộ, trong đó có 1.459 hộ là các hộ dân thường trú. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Hòa Minh Đinh Hữu Phúc cũng cho rằng trước đây, việc lập danh sách bị sót là do các tổ trưởng tính theo nóc nhà không tính theo hộ khẩu. Khi được hỏi về tổng số hộ dân thường trú tại phường, ông Đinh Hữu Phúc cho biết theo Tổng điều tra dân số năm 2019 là 16.513 hộ, nhưng đến nay có nhiều biến động nên có tăng. Như vậy, có thể thấy các lãnh đạo phường chưa nắm được số hộ khẩu thường trú trong địa bàn mình quản lý, mà chỉ lập theo danh sách các tổ trưởng tổ dân phố đưa lên, đến khi xảy ra sai sót lại quy trách nhiệm cho các tổ dân phố, khu dân cư.
Phường Hòa Khánh Bắc cũng đang đề nghị bổ sung 2.877 hộ được hưởng hỗ trợ, đứng thứ hai chỉ sau phường Hòa Khánh Nam. Theo danh sách chi tiền hỗ trợ từ hai quyết định 2840 và 2903 của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng thì phường này có 12.718 hộ thường trú và 8.427 hộ thuê trọ. Nhưng trong danh sách đề nghị bổ sung của phường sau đó, tổng số hộ của phường lại thay đổi thành 8.877 hộ trường trú và 15.145 hộ thuê trọ. Như vậy, so sánh giữa hai danh sách này, số hộ thường trú bất ngờ giảm tới hàng ngàn hộ, còn số hộ thuê trọ tăng lên gấp đôi.
Giải thích cho sự thay đổi đột ngột của các số liệu trên, ông Bùi Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Hòa Khánh Bắc cho biết: “Trong danh sách chi hỗ trợ ban đầu, cán bộ phường đã nhập số liệu... nhầm, từ cột hộ thường trú sang cột hộ thuê trọ. Đặc điểm của phường Hòa Khánh Bắc là có khu công nghiệp nên rất đông công nhân thuê trọ, một nhà có nhiều phòng trọ nhưng khi lập danh sách ban đầu, các tổ dân phố chỉ tính một hộ là chủ nhà trọ. Sau khi kiểm tra, rà soát, hiện nay phường xin bổ sung hỗ trợ chủ yếu là cho đối tượng là các hộ thuê trọ.”
Cũng trong danh sách đã chi tiền hỗ trợ theo Quyết định 2840 và 2903 của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng, quận Liên Chiểu có 45.663 hộ thường trú đã được hỗ trợ. Nhưng trong danh sách tổng hợp đề nghị bổ sung sau đó của Ủy ban Nhân dân quận Liên Chiểu có 45.494 hộ thường trú, nhưng trong đó vẫn còn 4.122 hộ thường trú chưa được nhận hỗ trợ, cần bổ sung thêm. Như vậy, không tính các hộ thuê trọ, chỉ tính riêng các hộ có hộ khẩu thường trú tại quận đã có sự chênh lệch hơn 4.000 hộ, nếu quy ra 500.000 đồng/hộ, số tiền chênh lệch khoảng 2 tỷ đồng.
Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận Liên Chiểu là nơi tổng hợp danh sách từ các phường và tham mưu cho lãnh đạo quận lập danh sách đề xuất hỗ trợ. Nhưng ông Hà Thúc Liêu, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận Liên Chiểu cũng không giải thích được lý do chênh lệch này, cho rằng có thể do số liệu từ các phường gửi về chưa chính xác.
Theo ông Liêu, trong lúc triển khai Quyết định 2840 và 2903, các tổ dân phố, Ban điều hành khu dân cư, các Ủy ban Nhân dân phường phải kiêm nhiệm rất nhiều công tác như cung cấp thực phẩm cho người dân, xét nghiệm toàn dân, xử lý các trường hợp vi phạm giãn cách xã hội... Vì vậy, các phường chưa truyền đạt rõ ràng nội dung các chính sách cho các khu dân cư, trong quá trình thực hiện thống kê, lập danh sách còn bị nhầm lẫn giữa các đợt hỗ trợ, các nhóm đối tượng./.