Viện nghiên cứu Brookings mới đây đăng bài phân tích về quan hệ thương mại Mỹ-Trung của Ryan Hass, chuyên gia về Trung Quốc, nội dung như sau:
Khi tấn công vào hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang dồn hết sức lực vào vấn đề có ý nghĩa chính trị với tác động to lớn đến cử tri Mỹ.
Những cử tri ủng hộ tích cực ứng cử viên Bernie Sanders, Thượng nghị sỹ Mỹ ra tranh cử Tổng thống Mỹ 2016, và những cử tri có quan điểm bảo thủ ủng hộ Trump đều tin rằng Trung Quốc là thủ phạm gây ra tình trạng mất việc làm và trì trệ về lương bổng đối với người lao động Mỹ.
[Liệu Trump có phát động một cuộc chiến tranh tiền tệ?]
Trump đưa ra quan điểm cứng rắn rằng Trung Quốc đã thực hiện chính sách không công bằng để tạo lợi thế cho các công ty của nước này trong cạnh tranh với các đối tác Mỹ. Đã có những luồng dư luận tại Mỹ ủng hộ việc giải quyết vấn đề này, thậm chí chấp nhận chủ trương chịu nỗi đau ngắn hạn để thu về lợi ích trong dài hạn. Ngay cả khi đưa ra nhiều lời đe dọa đánh thuế, các thị trường ngành nghề vẫn tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm xuống tại Mỹ.
Nói cách khác, điều này lý giải nguyên nhân tại sao Trump tin tưởng vào việc thực hiện các biện pháp cứng rắn để đương đầu với các chính sách thương mại của Trung Quốc trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, có một cách tiếp cận khác thông minh hơn, tương đồng với chính sách hiện nay của Trump mà vẫn có thể giải quyết được thách thức mà Trung Quốc đang đặt ra đối với Mỹ.
Do bản chất 2 nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc phụ thuộc lẫn nhau nên không có nhiều cách thức để Mỹ “trừng phạt” Trung Quốc mà không gây tổn thương cho chính Mỹ.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Mỹ và đang là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Thương mại và đầu tư với Trung Quốc đóng góp 2,6 triệu việc làm cho Mỹ. Việc đánh thuế trả đũa của Trung Quốc sẽ nhằm vào các thành phần và các khu vực cử tri ủng hộ Trump.
Đánh thuế của Mỹ vào các mặt hàng sản xuất bởi Trung Quốc cũng sẽ làm giảm sức mua của người tiêu dùng Mỹ, đồng thời tạo thêm gánh nặng cho người nghỉ hưu ở Mỹ. Các công ty Mỹ có hoạt động làm ăn tại thị trường Trung Quốc như General Motor, Apple và Boeing sẽ là những đối tượng chịu tác động mạnh nhất của các biện pháp trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc.
Do những tác động như vậy, Chính quyền Trump cần phải bước vào một trận chiến với các mục tiêu rõ ràng và một chiến lược vững chắc.
Cựu Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Larry Summers gần đây cho rằng để có chiến lược thành công, Mỹ cần phải đưa ra các thông điệp cho đối phương về những điều mà Mỹ muốn và hậu quả của nó nếu đối phương không thể giải quyết các vấn đề quan ngại của Mỹ.
Chiến lược thành công cũng cần phải thuyết phục được các nước bạn bè gây áp lực lên đối thủ của Mỹ để họ thấy sự cần thiết phải tôn trọng quan điểm của Mỹ.
Trường hợp căng thẳng thương mại Mỹ-Trung hiện tại không có một yếu tố nào rõ ràng. Những yêu sách của Mỹ thay đổi liên tục, các thỏa thuận đạt được trong vòng một ngày, sau đó bị vứt bỏ. Trump lại đưa ra những lời đe dọa hấp tấp, bởi vậy làm giảm giá trị của Mỹ.
Bên cạnh đó, các đồng minh lâu đời của Mỹ cũng thể hiện sự không hài lòng của họ đối với việc cho đi sự ủng hộ đối với Mỹ mà sau đó chính họ lại nhận được kết cục bị Mỹ áp thuế đơn phương lên mặt hàng thép và nhôm.
Trong bối cảnh đó, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc cứ tiếp tục phình ra, đạt mức cao kỷ lục trong năm đầu nhiệm kỳ của Trump và dự kiến ngày càng mở rộng ra nhiều lĩnh vực trong năm 2018.
Thực tế khó khăn này đặt ra sự mâu thuẫn rằng Trump sẽ trông cậy vào chính sách đánh thuế cao để giải quyết một vấn đề khó khăn mà ông đã cam kết với cử tri Mỹ.
Sự phản kháng từ các nghị sỹ của cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ đối với quyết định của Trump khi giảm mức trừng phạt với công ty công nghệ ZTE của Trung Quốc đã khoét sâu thêm mâu thuẫn rằng Trump sẽ tăng cường áp thuế để phản bác với những chỉ trích Chính quyền Mỹ đã yếu kém trước Trung Quốc.
Cũng bởi khả năng Trung Quốc sẽ đáp trả bằng cách đánh thuế cao với hàng nhập khẩu từ Mỹ, câu hỏi chính yếu hiện nay là liệu Mỹ có sẵn sàng áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn với Trung Quốc hay là Mỹ sẽ có phương pháp khôn khéo hơn hay không.
Thực hiện chính sách bảo hộ đơn phương và kỳ vọng vào sự nhượng bộ lớn từ Bắc Kinh sẽ không phải là chiến lược thông minh, nghiêm túc để thay đổi cách hành xử của Trung Quốc.
Mỹ cũng đừng vọng tưởng rằng các biện pháp bảo hộ thương mại đơn phương sẽ không tác động đến mặt hợp tác Mỹ-Trung trong xử lý vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hiểu tình thế này và điều đó phản ánh tại sao Pompeo đã kêu gọi sự thận trọng về khung thời gian và các bước đi đánh thuế của Mỹ đối với Trung Quốc.
Tuy nhiên, không phải tất cả hy vọng với Mỹ đều tiêu tan. Cả Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều đang đối mặt với những vấn đề chính trị nội bộ cấp bách. Mỹ cần cho thấy sự tiến triển trong cân bằng quan hệ kinh tế Mỹ-Trung bằng cách mở rộng xuất khẩu và tạo việc làm tại Mỹ.
Tập Cận Bình cần chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc theo hướng dựa vào tiêu dùng nội địa và các dịch vụ bền vững hơn nhằm tiếp tục thúc đẩy sản phẩm của Trung Quốc vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Những chính sách đó đều không tạo ra sự xung đột về lợi ích giữa hai nước. Với kinh nghiệm và sự sáng suốt, cả hai nước cần mở ra không gian cho các cuộc đàm phán thương mại để tìm ra giải pháp có thể hỗ trợ cho mục tiêu của mỗi bên.
Để đạt được một kết quả như vậy, cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc cần phải chấp nhận rằng không ai có thể có được 100% điều họ muốn trong thương lượng. Vấn đề trọng tâm là xây dựng cơ chế để khắc phục tình trạng mất cân bằng thương mại mà không phải chỉ là cam kết của Trung Quốc đối với việc mua thêm hàng hóa từ Mỹ, vì cách thức đó chỉ là sự che giấu một cách tạm thời (xung đột thương mại Mỹ-Trung) mà không thể giải quyết vấn đề một cách thực sự.
Chính quyền Trump sẽ chỉ ra sự nghiêm túc về việc giải quyết thực trạng chính sách thương mại không công bằng của Trung Quốc bằng cách chấm dứt việc trao cho Trung Quốc một lối thoát rằng họ chỉ cần mua nhiều hàng hóa hơn của Mỹ là có thể giải quyết được vấn đề. Thay vào đó, Mỹ cần tập trung sửa đổi những vấn đề cấu trúc nền tảng, đó là sự tiếp cận thị trường, chuyển giao công nghệ, các quy định trong liên doanh, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Vụ việc ZTE có thể coi là ví dụ về một chính sách như vậy. Khi thúc đẩy một thỏa thuận, Mỹ cần yêu cầu sự thỏa hiệp từ Bắc Kinh, đồng thời đề nghị những vấn đề ưu tiên và tăng cường hợp tác với những đối tác cùng chung quan điểm.
Khi Trung Quốc nghe thấy nhiều hơn từ các đối tác thương mại của họ về cùng vấn đề quan ngại như Mỹ nói thì Trung Quốc sẽ phải sớm nghiêm túc với nhu cầu điều chỉnh các chính sách thực tại của họ.
Đến nay thì chiến lược của Chính quyền Trump trong quan hệ thương mại với Trung Quốc đã không ép buộc được Bắc Kinh giảm bớt hành động của họ hay lưu tâm về kết cục xấu nếu Washington gia tăng áp lực. Thời gian sẽ trả lời cho câu hỏi liệu Chính quyền Trump có thể tìm ra được một cách tiếp cận hiệu quả hơn với Trung Quốc hay không./.