Chính thức ký kết nghị định thư xuất khẩu chuối tươi sang Trung Quốc

Nghị định thư vừa được ký kết quy định cụ thể các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, quản lý vùng trồng, đóng gói và chế biến... đối với quả chuối tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Sơ chế, đóng gói sản phẩm chuối xanh xuất khẩu. (Ảnh minh hoạ: Vũ Sinh/TTXVN)
Sơ chế, đóng gói sản phẩm chuối xanh xuất khẩu. (Ảnh minh hoạ: Vũ Sinh/TTXVN)

Hôm nay, 1/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả chuối tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Trước quả chuối tươi, trong năm nay hai bên cũng đã ký nghị định thư về việc xuất khẩu sang Trung Quốc với quả sầu riêng, chanh leo. 

Nghị định thư gồm 8 điều, quy định về điều khoản chung, đăng ký, quản lý vùng trồng, đóng gói và chế biến, kiểm tra kiểm dịch trước khi xuất khẩu, kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu, đánh giá bổ sung và hiệu lực của nghị định thư. Theo đó, nghị định thư sẽ có hiệu lực trong 5 năm. 

Theo nghị định thư, chuối tươi được xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc là chuối chưa chín được thu hoạch trong vòng từ 10-16 tuần sau khi ra hoa. Quả chuối chín hoặc nứt vỏ sẽ không được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Chuối tươi phải tuân thủ các yêu cầu kiểm dịch thực vật quy định trong Nghị định thư và không nhiễm bất kỳ đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm. Khi quả chuối tươi tới cửa khẩu Trung Quốc, Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra giấy tờ, hồ sơ liên quan và hoàn tất quá trình kiểm tra kiểm dịch.

Tất cả vùng trồng và cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và được cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Thông tin đăng ký bao gồm tên, địa chỉ và mã số để khi phát hiện bất cứ sản phẩm nào không tuân thủ các yêu cầu của nghị định thư thì có thể truy xuất nguồn gốc một cách chính xác.

[Sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc từ ngày 11/7]

Trước khi xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải gửi cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc danh sách đăng ký để phê duyệt và cập nhật thường xuyên. Danh sách này sẽ được công bố trên trang web chính thức của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Chính thức ký kết nghị định thư xuất khẩu chuối tươi sang Trung Quốc ảnh 1Tất cả vùng trồng và cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký và phê duyệt. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Dưới sự giám sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tất cả vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) ví dụ như duy trì các điều kiện vệ sinh vùng trồng và cách xa nguồn ô nhiễm, loại bỏ những quả rụng và thối. Quản lý vùng trông phải thực hiện chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải áp dụng quy trình  quản lý để tổ chức các hoạt động giám sát vùng trồng đối với các loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm trong cả năm.

Trong 2 năm đầu tiên kể từ ngày Nghị định thư có hiệu lực, cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tiến hành kiểm tra kiểm dịch thực vật, lấy mẫu 2%. Trong thời gian 2 năm, nếu không phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật thì tỷ lệ lấy mẫu sẽ giảm xuống 1%.

Nghị định thư nêu rõ các trường hợp bị từ chối xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo đó, chuối của các vùng trồng và cơ sở đóng gói chưa được phê duyệt, hoặc chuối chín thì lô hàng đó sẽ bị từ chối nhập khẩu.

Trong trường hợp phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc có đất, lẫn tàn dư thực vật, lô hàng sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy hoặc xử lý. Đối với trường hợp phát hiện lô hàng không phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia của Trung Quốc, lô hàng cũng sẽ không được phép nhập khẩu hoặc tiêu hủy.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ thông báo cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nếu phát hiện việc không tuân thủ các yêu cầu và tạm dừng nhập khẩu chuối từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói có liên quan. Theo kết quả chấn chỉnh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ quyết định có hủy bỏ việc đình chỉ hay không./.

Đến nay, có 11 loại quả của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt, chanh dây, sầu riêng. Trong số đó, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 4 nghị định thư về việc xuất khẩu sang Trung Quốc với quả măng cụt, sầu riêng, chanh leo và chuối. Hiện nay, hai bên đang đàm phán để ký kết xuất khẩu khoai lang và quả bưởi tươi sang Trung Quốc.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.