Tại buổi họp báo trực tuyến thường kỳ tháng 5, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 4/6, ông Cường cho biết, trong gần một năm thử nghiệm (kể từ 1/7/2011) Bộ Công Thương đã chỉ đạo ba Tập đoàn: Điện lực Việt Nam (EVN), Dầu khí Việt Nam (PVN), Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) cùng các đơn vị khác trong và ngoài ngành điện khẩn trương chuẩn bị nhân lực, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để có thể thực hiện việc phát điện cạnh tranh vào thời điểm trên.
“Qua gần 1 năm vận hành thí điểm, đến nay đã hoàn thiện các văn bản nhằm chuẩn bị cho việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh chính thức đúng tiến độ,” ông Cường nói.
Liên quan đến việc chuyển đổi hợp đồng theo thông tư 41, ông Cường cho hay, hiện Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN chuyển đổi hợp đồng trước đây đã ký giữa các đơn vị trong và ngoài ngành điện với EVN sang hợp đồng mẫu được quy định tại thông tư này.
Cụ thể, đối với các thủy điện nhỏ dưới 30 MW, Bộ Công Thương đã có công văn trong năm 2012 tạm thời sẽ tăng giá thêm 5% so với năm 2011 giữa hợp đồng của EVN với các thủy điện này, còn với thủy điện trên 30 MW sẽ xem xét khó khăn của những nhà máy này như thế nào, ở đâu để điều chỉnh phù hợp.
"Hiện đã có trên 10 nhà máy công suất trên 30 MW đã được điều chỉnh giá do tài chính khó khăn, ở mức thích hợp căn cứ vào thông số đầu vào nhất định như tỷ giá, chi phí và lãi suất vay ngân hàng. Còn một số nhà máy không có những khó khăn hoặc chưa đến mức quá khó khăn thì vẫn chưa xem xét việc điều chỉnh giá..." ông Cường chia sẻ.
Làm rõ hơn điều này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, có nhiều nhà máy đã phát điện trong tình trạng rất khó khăn về tài chính do giá điện ký kết giữa EVN với các nhà máy này bị ảnh hưởng từ việc tỷ giá thay đổi lớn.
Vì vậy, theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN tăng giá mua điện 5% cho hơn chục nhà máy. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà máy khác, trong quá trình chuyển đổi các hợp đồng (từ các hợp đồng đã ký trước đây sang hợp đồng mẫu theo Thông tư 41) cần điều chỉnh giá điện một cách hợp lý.
Nhưng EVN, hiện là đơn vị duy nhất mua điện từ các nhà máy điện, cũng đang rất khó khăn về tài chính nên việc điều chỉnh giá điện phải tiến hành từ từ. "Vì tập đoàn này hiện cũng không còn khả năng để có thể thanh toán nhiều hơn nữa cho các nhà máy điện. Do đó, khó khăn này phải được chia sẻ cho các đơn vị tham gia vào hoạt động điện lực," ông Vượng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng khẳng định, từ 1/7/2012 sẽ chính thức vận hành chính thức thị trường phát điện cạnh tranh như kế hoạch đề ra.
Nhưng do tình hình cung-cầu về cung ứng điện khó khăn cho nên sau gần 1 năm vận hành thử nghiệm thì hầu hết trong các tháng, các nhà máy khi chào giá đều cao hơn so với giá được ký kết theo hợp đồng. Chỉ duy nhất hai tháng 12/2011 và 1/2012 thì giá chào trên thị trường thấp hơn giá ký kết theo hợp đồng, tương ứng là 33 tỷ đồng và 103 tỷ đồng.
“Tổng cộng trong 10 tháng vận hành thử, nếu thanh toán cho các nhà máy theo bản chào của họ thì lượng tiền phải thanh toán cao hơn hợp đồng là 1.178 tỷ đồng, nên câu chuyện giá điện đến nay cũng hết sức khó khăn,” Thứ trưởng Vượng nói.
Cũng theo Thứ trưởng, câu chuyện giá điện hiện nay rất khó khăn. Sắp tới, khi chính thức vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, một mặt sẽ từng bước giảm sự độc quyền của ngành điện; mặt khác sẽ minh bạch hoá mọi hoạt động của ngành điện. Tuy nhiên, với việc vận hành theo thị trường thì phải theo quy luật cung – cầu, chuyện lên, xuống giá điện theo thị trường là bình thường./.