Chờ tin từ Trung Quốc và Mỹ, giá dầu phiên đầu tuần ở châu Á giảm

Giá dầu West Texas Intermediate của Mỹ giao tháng 11/2015 giảm 48 xu Mỹ xuống 45,22 USD/thùng và giá dầu Brent giao cùng kỳ giảm xuống 48,13 USD/thùng.
Chờ tin từ Trung Quốc và Mỹ, giá dầu phiên đầu tuần ở châu Á giảm ảnh 1Trạm bơm tại mỏ dầu Kern River ở Bakersfield, California, Mỹ ngày 24/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giá dầu giảm trong phiên giao dịch ngày 28/9 tại châu Á, khi nhà đầu tư đang chờ thêm các dấu hiệu để đoán định tình hình "sức khỏe" của kinh tế Trung Quốc và Mỹ - hai nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới.

Giá dầu West Texas Intermediate của Mỹ giao tháng 11/2015 giảm 48 xu Mỹ xuống 45,22 USD/thùng và giá dầu Brent giao cùng kỳ giảm 47 xu Mỹ, xuống 48,13 USD/thùng.

Các thị trường biến động mạnh trong tuần qua trước tin chỉ số chủ chốt về hoạt động chế tạo của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất của sáu năm rưỡi trong tháng Chín. Đây là dấu hiệu mới nhất về tình trạng đi xuống của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo hãng nghiên cứu Capital Economics, đối với hầu hết các hàng hóa, việc kinh tế Trung Quốc "hạ cánh cứng" là mối đe dọa lớn hơn nhiều so với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từng bước thắt chặt chính sách tiền tệ. Fed vẫn chưa quyết định tăng lãi suất, nhưng Chủ tịch Fed Janet Yellen tuần trước nói rằng bà hy vọng lãi suất sẽ được nâng lên trong năm nay và những lo ngại về tình trạng tăng trưởng yếu hơn của kinh tế toàn cầu có thể không ảnh hưởng tới kế hoạch này.

Capital Economics cho rằng "tiêu điểm" trong tuần này có thể vẫn được đặt vào Trung Quốc (đặc biệt là thị trường chứng khoán nước này, khi gần đây thị trường này đã có những dấu hiệu cho thấy sự ổn định) và Mỹ, khi báo cáo việc làm sẽ được công bố vào ngày 2/10.

Việc lãi suất tại Mỹ tăng có thể làm tăng giá đồng USD, khiến cho dầu mỏ vốn được định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm đang nắm giữ các đồng tiền yếu hơn, từ đó ảnh hưởng đến nhu cầu.

Giá dầu cũng chịu sức ép do triển vọng dầu mỏ của Iran sẽ trở lại thị trường vốn đã trong tình trạng dư cung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.