Cho ý kiến Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng

Ngày 15/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014.

Ngày 15/9, tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 14, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện chủ trì cuộc họp.

Báo cáo của Chính phủ cho biết các cơ quan hành chính nhà nước đã triển khai 6.877 cuộc thanh tra hành chính và 150.932 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 31.510,9 tỷ đồng, 3.739,3ha đất; kiến nghị thu hồi ngân sách nhà nước 29.991,2 tỷ đồng và 2.689,3ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý 4.519,7 tỷ đồng, 1.050ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 1.552 tập thể, 2.753 cá nhân; ban hành quyết định xử phạt vi phạm đối với nhiều tổ chức, cá nhân với số tiền 1.173 tỷ đồng.

Công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra: Toàn ngành thanh tra đã đôn đốc, kiểm tra 3.614 kết luận, thu hồi và xử lý 9.935,9/15.184,2 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 65,4% tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2013) và 1.763ha đất. Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 373.975 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh.

Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân 854,9 tỷ đồng, 81,3ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 764 người; chuyển cơ quan điều tra xử lý 25 vụ, 102 cá nhân.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với nhận định trong Báo cáo của Chính phủ, đó là kết quả phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã có tác dụng răn đe nhất định và hạn chế tham nhũng, tuy nhiên tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn diễn ra gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp.

Tham nhũng, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn và tài sản gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây bất bình trong dư luận. Tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích.

Tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Thiệt hại do tham nhũng gây ra đối với ngân sách nhà nước, tài sản của nhân dân, doanh nghiệp rất lớn nhưng giá trị tài sản thu hồi thấp.

Nói về nguyên nhân của những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng, Báo cáo nêu do thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực còn bất cập, sơ hở; một số quy định liên quan đến phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, tội phạm tham nhũng còn thiếu dẫn đến khó khăn trong áp dụng pháp luật.

Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng; chưa phát huy được hết sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng… Một số ý kiến cho rằng, hiện cơ chế xác định trách nhiệm cá nhân chưa rõ, các biện pháp phòng ngừa cần phải có cơ chế kiểm soát hữu hiệu, đồng thời trong hoạch định chính sách phải giảm tối đa cơ chế xin-cho… để góp phần hạn chế hiện tượng tham nhũng.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (Ủy ban Tư pháp) cho rằng Báo cáo chưa chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, kiến nghị vẫn chung chung, chưa có những giải pháp mang tính đột phá. Rất nhiều ý kiến tại cuộc họp bày tỏ sự không hài lòng khi tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn rất thấp (10%). Các đại biểu cho rằng con số này nhiều năm qua vẫn thế, cần đề xuất những giải pháp cụ thể, tạo đột phá để có chuyển biến trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng.

Trong đó, cần chỉ rõ đâu là nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng này; đưa ra con số cụ thể trong việc thu hồi tài sản tham nhũng để có căn cứ đánh giá cũng như phải phấn đấu để hoàn thành. Nói rõ hơn về nội dung này, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết: Con số 10% trong Báo cáo chỉ liên quan tới các vụ án đã được tòa án tuyên là có tội.

Trong đó khái niệm người tham nhũng của Việt Nam khác với các nước khác; các nước khác, khái niệm này rộng hơn. Ông Lượng cũng cho biết năm 2014 công tác thu hồi của thanh tra và kiểm toán có tăng lên, theo thống kê năm 2013 là hơn 50% thì năm 2014 hơn 68%.

Để công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu quả hơn trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; rà soát kịp thời, đề xuất sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với Hiến pháp.

Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định của Bộ luật Hình sự liên quan đến tham nhũng theo hướng: Bổ sung một số tội danh về tham nhũng; quy định cụ thể điều kiện miễn hoặc giảm hình phạt đối với người có hành vi tham nhũng nhưng chủ động khai báo, khắc phục hậu quả trước khi bị phát giác; nội luật hóa những quy định của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng phù hợp với điều kiện Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục