Cho ý kiến dự án Luật Xây dựng, Bảo vệ môi trường

Chiều 11/11, các đại biểu Quốc hội làm việc ở tổ, thảo luận về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) và dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Cho ý kiến dự án Luật Xây dựng, Bảo vệ môi trường ảnh 1Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Minh Thiện phát biểu ý kiến. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, chiều 11/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) và dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Tăng cường giám sát cộng đồng đối với các công trình xây dựng

Liên quan đến nội dung về quy hoạch xây dựng, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng nên quy định nội dung quy hoạch xây dựng trong dự án Luật, nhằm kế thừa được quy định của Luật Xây dựng hiện hành, bảo đảm nguyên tắc quy hoạch xây dựng phải đi trước một bước, tạo cơ sở cho việc lập kế hoạch đầu tư và công cụ quản lý khi luật mới chưa được ban hành.

Tuy nhiên, các đại biểu Lê Trọng Sang, Võ Thị Dung (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng không nên quy định nội dung quy hoạch xây dựng trong dự án Luật mà đưa nội dung về quy hoạch xây dựng, kết hợp với nội dung Luật quy hoạch đô thị thành một luật mới, có phạm vi điều chỉnh quy hoạch của cả 3 đối tượng gồm vùng, đô thị và nông thôn.

Đại biểu Lê Trọng Sang giải thích rằng trong các điều khoản quy định về quy hoạch xây dựng không điều chỉnh nội dung nào liên quan đến trách nhiệm của đội ngũ làm quy hoạch hay trách nhiệm các cơ quan lập, thẩm định, xét duyệt quy hoạch...

"Trong thực tiễn vừa qua, chính do phạm vi điều chỉnh của Luật Xây dựng không bao phủ dẫn đến chất lượng quy hoạch kém, nhiều đề án quy hoạch không hoàn chỉnh... Hơn nữa, trong phạm vi điều chỉnh không nói đến đối tượng quy hoạch xây dựng, mà chỉ tập trung quy định đối tượng xây dựng. Xây dựng và quy hoạch xây dựng là hai đối tượng điều chỉnh khác nhau, đối tượng phạm vi điều chỉnh quy hoạch xây dựng rộng hơn đối tượng điều chỉnh của xây dựng. Đây cũng là hành lang pháp lý, quy định để ràng buộc các tổ chức liên quan đến quy hoạch xây dựng," đại biểu Lê Trọng Sang nói.

Quan tâm đến việc tăng cường sự giám sát của cộng đồng trong lĩnh vực xây dựng, đại biểu Võ Thị Dung (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 80/2005/QĐ-TTg về việc ban hành quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng. Quyết định đã có thời gian đủ để đánh giá, tổng kết để từ đó có thể đúc kết, bổ sung vào dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) cụ thể hơn.

Đại biểu này cũng nhận định rằng trong thực tế, giám sát trong cộng đồng chỉ giám sát được những công trình địa phương đầu tư, còn các công trình lớn của bộ, ngành Trung ương rất khó để giám sát. Nếu quy định rõ trong luật đầy đủ quy trình công bố, trách nhiệm, quyền hạn của cộng đồng giám sát sẽ góp phần phát huy được sự giám sát của nhân dân ở địa phương, hạn chế được tiêu cực trong quá trình xây dựng.

Nâng mức xử phạt đối với những hành vi gây ô nhiễm môi trường

Góp ý về nội dung bảo vệ môi trường rừng, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng từ ngàn xưa, phát triển của quốc gia dựa vào hai lợi thế rừng và biển. Tuy nhiên, dự án Luật hầu như chỉ nói đến biển đảo, trong khi rừng chiếm một vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội nhưng không được đề cập đến.

Đại biểu đề nghị, dự án Luật cần bổ sung thêm một chương riêng về bảo vệ môi trường rừng bởi nếu không sẽ mất cân xứng, không thể hiện được tầm quan trọng chiến lược của rừng trong phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng an ninh.

Vấn đề quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, đại biểu Huỳnh Minh Thiện chỉ ra rằng: hiện nay các hành vi vi phạm môi trường trong phát triển kinh tế-xã hội ngày càng phổ biến. Nguyên nhân không chỉ do buông lỏng quản lý mà còn do văn bản quy phạm pháp luật chưa cụ thể, xử lý chưa nghiêm. Vì vậy, dự án Luật cần bổ sung một chương về xử phạt vi phạm hành chính trong bảo vệ môi trường để đảm bảo sức răn đe, tạo thuận lợi cho việc thực thi áp dụng pháp luật để có hình thức xử lý kịp thời…

Đề cập đến quy định về thanh tra, kiểm tra trong bảo vệ môi trường, theo đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (Thành phố Hồ Chí Minh), hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị và nông thôn đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống của người dân nhưng công tác thanh, kiểm tra trong bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều hạn chế. Thời gian qua, các vụ việc gây ô nhiễm môi trường do thanh tra phát hiện còn ít, nhiều vụ việc nghiêm trọng chủ yếu do lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện hoặc do người dân phản ánh.

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang đề nghị, ngoài quy định bắt buộc thanh tra định kỳ 2 lần/năm, dự án luật cần bổ sung quy định ít nhất 1 lần thanh tra đột xuất, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động thanh tra trong việc phát hiện các hành vi vi phạm về môi trường.

Đối với các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Phạm Văn Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh) chỉ rõ: Dự án Luật đã đưa chi tiết những hành vi cấm trong quản lý môi trường nhưng chế tài thực hiện còn nhiều hạn chế. Do đó, dự án Luật cần nâng mức xử phạt, "đánh" vào tài chính của doanh nghiệp; đồng thời bổ sung vào Bộ luật Hình sự quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Phụng (Thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất ban soạn thảo nghiên cứu thêm về quy định xử phạt trong dự án Luật./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục