Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng diễn ra ngày 24/12 do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những hành động cụ thể của Đảng bộ và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trong 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng.
Quán triệt sâu sắc chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh luôn xác định nhất quán công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách vừa lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Chống tham nhũng là quá trình lâu dài, kiên định, quyết tâm cao” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế trong thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng tại Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể như trước sự phát triển nhanh chóng của kinh tế, công tác quản lý nhà nước của một số đơn vị, trên một số lĩnh vực còn chưa theo kịp, sơ hở, lỏng lẻo. Thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm và có biện pháp chỉ đạo giải quyết tốt ngay từ cơ sở đối với đơn thư tố cáo hành vi tham nhũng, chưa chủ động thực hiện kiểm tra, phòng chống tham nhũng tại chính đơn vị mình; công tác thanh tra, kiểm tra công vụ đối với các cơ quan hành chính nhà nước chưa được tiến hành thường xuyên, còn mang tính dàn đều nên những hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh chưa được phát hiện, khắc phục, xử lý triệt để.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, một bộ phận cán bộ, công chức còn thiếu tu dưỡng rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong quản lý, cơ chế, chính sách để thực hiện hành vi tham nhũng; lợi dụng nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu; cố ý làm trái những quy định, quy trình công tác để vụ lợi.
Phó Thủ tướng chỉ đạo, thời gian tới, Đảng bộ và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cần khắc phục những hạn chế đã được chỉ rõ; đồng thời tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng, gồm triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch thanh tra, tập trung rà soát và nâng cao chất lượng thanh tra trên các lĩnh vực cải cách hành chính, an toàn thực phẩm, các chương trình quản lý sử dụng nguồn vốn kích cầu, việc quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp cổ phần hóa; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng phối hợp giữa các cơ quan có chức năng đấu tranh, ngăn chặn hành vi tham nhũng, nhất là giữa các đơn vị như Ban Nội chính Thành ủy, thanh tra, công an, Viện Kiểm sát, Tòa án.
Thành phố cần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn, sắp xếp, bố trí cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và năng lực ở các cơ quan, bộ phận chuyên trách công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện nghiêm và đúng quy định việc luân chuyển vị trí công tác của cán bộ, công chức tại các cơ quan đơn vị, nhất là các cơ quan thuế, quản lý thị trường, hải quan…
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ sẽ tiếp thu những kiến nghị của Thành phố Hồ Chí Minh về sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo ủy ban nhân dân các tỉnh, thành xem xét, học hỏi Thành phố Hồ Chí Minh để tổ chức hội nghị tổng kết một cách thực chất, đúng trọng tâm.
Từ khi triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng đến nay, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã thụ lý điều tra 152 vụ án tham nhũng với tổng số 463 bị can. Tòa án Nhân dân Thành phố (hai cấp) đã thụ lý xét xử 199 vụ với 636 bị cáo. Trong các loại tội phạm về tham nhũng trong 10 năm qua, số vụ và số bị cáo bị truy tố về tội “tham ô tài sản” chiếm tỷ lệ cao nhất (gần 60%)./.