Chú cua “Bình Dư” nặng 1,452kg giành giải "Cua Cà Mau lớn nhất"

Vượt qua 40 chú cua, cua “Bình Dư,” mang số đăng ký 11, đến từ huyện Năm Căn với trọng lượng 1,452kg đã giành danh hiệu “Cua Cà Mau lớn nhất-cua Sumo (Sumo Crab),” với tiền thưởng 15 triệu đồng.
Chú cua có biệt danh "Bình Dư" đã chiến thắng cuộc thi "Cua Cà Mau lớn nhất-cua Sumo" với trọng lượng 1,452kg. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

Nằm trong chuỗi sự kiện Ngày hội cua Cà Mau-lần thứ I năm 2022, chiều 25/12, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (IPEC) tổ chức cuộc thi “cua Cà Mau lớn nhất-cua Sumo (Sumo Crab).”

Theo đó, từ 40 “cua thủ” đăng ký dự thi, Ban tổ chức chọn ra một giải duy nhất để trao danh hiệu “cua Cà Mau lớn nhất-cua Sumo (Sumo Crab),” với giá trị tiền thưởng 15 triệu đồng.

Ban tổ chức cuộc thi đã trao danh hiệu trên cho cua có nickname “Bình Dư,” mang số đăng ký 11, đến từ huyện Năm Căn với trọng lượng 1,452kg.

Theo Ban tổ chức cuộc thi, cua dự thi phải có nguồn gốc, xuất xứ từ tỉnh Cà Mau. Cá nhân, tổ chức chủ sở hữu cua tham gia dự cuộc thi cam kết và chịu trách nhiệm về nguồn gốc xuất xứ của cua.

[Cà Mau: Khuyến cáo người nuôi cua tuân thủ thời vụ, giảm thiệt hại]

Đồng thời, những con cua được chủ nhân mang đi dự thi còn phải đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe như phải đủ một cặp (đôi) càng, một cặp chân bơi, ít nhất phải còn đủ hai cặp chân bò (cho phép mất 1 chân bò mỗi bên nhưng không cùng trên một đốt); cua không bị bám bẩn hay ký sinh trùng, phản xạ tốt; cua được trói bằng dây trói cua không trọng lượng.

Tại cuộc thi, bên cạnh tiêu chí quan trọng nhất là trọng lượng, khi các con cua có cùng trọng lượng, chỉ tiêu đánh giá tiếp theo là kích thước mai cua. Mai cua được đo kích thước bằng thước kẹp tại vị trí rộng nhất theo chiều ngang (gai thứ 8 hoặc 9)...

Cuộc thi “cua Cà Mau lớn nhất-cua Sumo (Cà Mau Crab) được xem là hoạt động nhằm tôn vinh, quảng bá, khẳng định giá trị đặc sản cua Cà Mau trên thị trường trong và ngoài nước.

Cuộc thi còn hướng đến giới thiệu điều kiện tự nhiên của Cà Mau rất thuận lợi cho cua sinh sản, sinh trưởng và phát triển. Ngoài ra, cuộc thi còn tạo sân chơi vui tươi, giao lưu, hợp tác và đoàn kết, góp phần tạo động lực bảo tồn nguồn gene và giống cua quý tại địa phương./.

Đối với trò chơi đua cua tốc độ, thời gian thi đấu mỗi trận khoảng 2 phút, 'cua thủ' nào về đích trước sẽ giành chiến thắng và tham gia tranh tài ở vòng chung kết. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)
Trò chơi đua của tốc độ lần đầu được tổ chức tại vùng đất được xem là 'thủ phủ cua.' (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)
Trò chơi đua cua tốc độ thu hút rất đông du khách đến xem.(Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)
Tính chất độc và lạ của trò chơi đã tạo không khí phấn khởi, thu hút sự tham gia cổ vũ của đông đảo người dân và du khách. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)
Cuộc đua cua tốc độ và trói cua biểu diễn có 270 'cua thủ' tham gia thi đấu ở 3 hạng cân. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)
Trói cua biểu diễn được xem là hoạt động để du khách hiểu hơn về đặc tính của con cua ở vùng đất Cà Mau. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)
Du khách đạt thành tích cao khi tham gia trò chơi trói cua tại Ngày hội cua Cà Mau. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục