Chủ động đón nhận “làn sóng” đầu tư chất lượng từ EVFTA

Việt Nam có tận dụng được lợi thế từ các cam kết trong EVFTA để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài thực sự hiệu quả như mong đợi, quá trình vận hành thị trường vẫn là yếu tố quyết định.
Chủ động đón nhận “làn sóng” đầu tư chất lượng từ EVFTA ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tại báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu,Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh EVFTA là cơ hội để Việt Nam có thể thu hút thêm các nhà đầu tư từ EU trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và dịch vụ.

Tuy nhiên, quá trình vận hành thị trường vẫn là yếu tố quyết định Việt Nam có tận dụng được lợi thế từ các cam kết trong EVFTA để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực sự hiệu quả như mong đợi.

Nhìn thấu đáo… để ứng phó

Đồng tình với báo cáo thẩm tra, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng việc thông qua Hiệp định EVFTA sẽ góp phần đẩy mạnh xuất khẩu, khai thông dòng vốn đầu tư chất lượng cao từ Liên minh châu Âu, đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu với công nghệ cao, thân thiện môi trường và phát triển bền vững.

Mặt khác, EVFTA cũng giúp Việt Nam có thêm động lực cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra nhiều việc làm cho người dân.

Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc cũng chỉ ra để nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp nói riêng có thể vận hành được hiệp định thì vẫn còn nhiều gian nan và khó khăn. 

Phân tích kỹ hơn, ông Lộc cho rằng về nội lực, khả năng tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu hầu như mới chỉ ở công đoạn lắp ráp, sản xuất đơn giản và phụ thuộc sâu sắc vào nguyên liệu nhập khẩu của những sản phẩm xuất khẩu chính, đặc biệt là từ các quốc gia ngoài EU. Đây chính là rào cản ngăn các doanh nghiệp nội địa tận dụng tối đa lợi ích từ việc giảm thuế và tình hình này sẽ cần phải được cải thiện khi đi vào thực thi EVFTA.

Bên cạnh đó, các quy định về biện pháp phi thuế quan và kiểm dịch động thực vật trong EVFTA vẫn còn phức tạp, khiến tỷ lệ chi phí tuân thủ các quy định trên ở Việt Nam sẽ cao hơn so với hầu hết các nước ASEAN. Đây cũng là yếu tố làm hạn chế năng lực thương mại của Việt Nam cũng như tận dụng lợi ích tiềm năng từ EVFTA.

Để giải quyết vấn đến này, theo Chủ tịch VCCI, Việt Nam cần có giải pháp hữu hiệu nhằm thu thút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi thực hiện EVFTA, cụ thể là giải quyết những trở ngại hiện hữu, như về hệ thống thể chế, cơ sở hạ tầng... hay chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến năng lực cạnh tranh hạn chế.

Thêm vào đó, sự “hoành hành” của các loại chi phí không chính thức cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt đến từ Liên minh châu Âu-với hệ thống pháp luật chặt chẽ, sẽ không dễ dàng “nhập gia tùy tục” vào thị trường Việt Nam.

Minh chứng cho thấy tại nghiên cứu Chỉ số năng lực cạch tranh cấp tỉnh của Việt Nam (PCI-2019) của VCCI vừa công bố mới đây, khảo sát 1.583 doanh nghiệp FDI cho biết: “Họ vẫn tiếp tục phải đối mặt với một số rủi ro liên quan đến quyền tài sản, gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật-hậu đăng kiểm.” Các doanh nghiệp FDI này cho biết chi phí không chính thức phải trả chiếm khoảng 1,04% doanh thu (năm 2018), nếu liên hệ với tổng doanh thu thuần khu vực FDI năm 2018 đạt 6,81 triệu tỷ đồng (số liệu tại Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 của Tổng cục Thống kê) thì số chi không chính thức ước tính khu vực FDI có thể lên tới 70.824 tỷ đồng. Chưa hết, báo cáo PCI còn chỉ ra quy mô chi phí không chính thức trong khối FDI đã nhích nhẹ trở lại, mức 1,11% trong năm 2019.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế -VCCI cho biết thêm rằng khi phân tích chi phí không chính thức trong lĩnh vực xây dựng đã phát hiện 48% doanh nghiệp FDI thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng trong năm 2019 phải trả thêm chi phí không chính thức trung bình khoảng 24 triệu đồng để nhận được giấy phép xây dựng.

“Đáng lo ngại hơn, các con số này có thể chưa phản ánh đúng mức chi phí thực tế, cũng như việc các doanh nghiệp FDI đã bỏ qua việc xin cấp giấy phép xây dựng do lo ngại phải mất thêm chi phí không chính thức. Và nguy cơ rõ ràng, những loại tham nhũng này có thể khiến các doanh nghiệp đang hoạt động phải từ bỏ ý định mở rộng kinh doanh, sản xuất trong quá trình đầu tư tại Việt Nam,” ông Tuấn chia sẻ.

Thu hút FDI không “vơ bèo vạt tép”

Một lần nữa, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh EVFTA giống như “đường cao tốc-hội nhập” và khi Quốc hội bấm nút phê chuẩn hiệp định, nền kinh tế phải được vận hành trơn tru để có thể tham gia hiệu quả trên “tuyến đường” này.

Theo đó, ông Lộc đề xuất một số giải pháp; trong đó “việc cấp thiết là phải sớm có những văn bản pháp luật, nghị định, thông tư nội luật hóa các cam kết, hướng dẫn cách thức tổ chức thực hiện các cam kết.”

Cụ thể, rút kinh nghiệm từ việc thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được một năm rưỡi, nhưng đến thời điểm này các văn bản hướng dẫn thực thi vẫn lỡ hẹn do sự phối hợp giữa các bộ, ngành chưa thật hài hòa.

Thêm vào đó, dự thảo kế hoạch thực thi EVFTA hiện mới chỉ có các văn bản ban hành mới theo cam kết, do đó cần bổ sung các nội dung dự kiến để chủ động tạo không gian và động lực nội địa. Như, các chính sách bù đắp nguồn thu thiếu hụt từ thuế nhập khẩu giảm theo cam kết, các tiêu chí ngoại lệ được phép thực hiện trong hiệp định theo hướng có lợi cho doanh nghiệp và nền kinh tế …

Các chuyên gia từ Ngân hàng thế giới (World Bank-WB) khuyến cáo EVFTA sẽ thúc đẩy gia tăng dòng vốn FDI, song bên cạnh đó Việt Nam sẽ gặp những thách thức cơ bản như phải quản lý được số lượng các khiếu nại về thương mại ngày càng tăng do tranh chấp giữa các nhà đầu tư và Nhà nước khi phải tuân thủ các điều khoản bảo vệ đầu tư được quy định trong Hiệp định Bảo hộ đầu tư-EVIPA.

Do đó, ông Lộc cho rằng việc cắt giảm các thủ tục hành chính phiền hà, cải thiện môi trường kinh doanh cần quyết liệt hơn nữa để có thể vươn tới các chuẩn mực hàng đầu trong ASEAN và quốc tế. Trước các sức ép nguy cơ bị khiếu kiện đầu tư quốc tế, các cấp quản lý Nhà nước phải bảo đảm thực thi một cách chuẩn mực các nghĩa vụ về mở cửa, ứng xử, bảo hộ cho các nhà đầu tư theo hiệp định.

Bên cạnh đó, ông Lộc cho rằng Chính phủ cần nhanh chóng có các chính sách cần thiết song không trái cam kết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nội địa gia tăng sức cạnh tranh, đủ lớn mạnh để hợp tác với đối thủ mạnh từ EU. Ngoài ra, các nhà làm chính sách cần phải có dự kiến xa hơn, chiến lược lớn hơn về tái cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động, dân cư… ứng phó với những thay đổi không mong muốn từ EVFTA cũng như từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Lộc nhấn mạnh EVFTA không phải là “con đường cao tốc-hội nhập” miễn phí. Để hệ thống doanh nghiệp và quốc gia tận dụng được những cơ hội từ EVFTA cần có sự đầu tư. Theo đó, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu về các cơ hội, thách thức từ hiệp định, từ đó đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh để những sản phẩm chất lượng, giá cả đáp ứng yêu cầu của thị trường. Song song đó, Nhà nước cần sớm đầu tư 3 trụ cột tạo nền tảng quốc gia cho năng lực cạnh tranh: Hoàn thiện thể chế-Nâng cấp cơ sở hạ tầng-Năng cao chất lượng nguồn nhân lực.

“Điểm cuối cùng, để vận hành có hiệu quả trong EVFTA, CPTPP và các hiệp định tự do thế hệ mới đồng thời đón nhận làn sóng FDI với chất lượng cao không “vơ bèo vạt tép” thì các việc làm này cần phải được tăng tốc nhanh hơn,” ông Lộc nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.