Theo báo cáo của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, xuất khẩu dệt may vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định, năm 2013 đạt ngưỡng 20 tỷ USD, còn trong 6 tháng đầu năm 2014 cũng đạt 10,21 tỷ USD.
Nếu chỉ nhìn vào con số này thì đây thực sự là một tín hiệu vui trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Song trên thực tế, giá trị nhập khẩu nguyên, phụ liệu cho sản xuất hàng dệt may xuất khẩu chiếm đến quá nửa, tác động không nhỏ đến giá trị gia tăng của sản phẩm.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có buổi trao đổi với ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam về những khó khăn, vướng mắc mà ngành dệt may đang phải đối mặt trong việc chủ động nguồn nguyên liệu.
- Trong chuỗi giá trị dệt may, công đoạn cung cấp nguyên liệu là khâu đầu tiên tạo giá trị cơ bản. Ông đánh giá như thế nào về năng lực cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay?
Ông Vũ Đức Giang: Năm 2013, ngành dệt may Việt Nam đã xuất khẩu trên 20 tỷ USD nhưng trong phần giá trị gia tăng mà ngành dệt may thu về chỉ chiếm 9,6 tỷ USD trong tổng giá trị xuất khẩu. Không những thế, chuỗi giá trị gia tăng trong nguyên phụ liệu là yếu tố hết sức quan trọng quyết định thành công và ảnh hưởng vị thế uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Điều này đã và đang ngày càng khẳng định vị thế của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam trong thời gian qua và cũng như các giải pháp chiến lược phát triển trong thời gian tới.
- Chất lượng nguyên phụ liệu dệt may trong nước đã có những bước tiến nhất định, minh chứng là hàng năm Việt Nam đang xuất khẩu một lượng đáng kể nguyên liệu sợi, vải và phụ liệu. Xin ông cho biết lý do gì khiến các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tuy có nguyên liệu xuất khẩu nhưng vẫn phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu để phục vụ sản xuất?
Ông Vũ Đức Giang: Đối với công nghiệp dệt may, xuất khẩu nguyên phụ liệu là một bước tiến đột phá song thời gian qua Việt Nam vẫn phải đang nhập khẩu một số lượng lớn nguyên phụ liệu từ nước ngoài. Nguyên nhân chính bởi thị trường may mặc thế giới hiện nay là thị trường mở và doanh nghiệp xuất khẩu hay nhập khẩu nguyên phụ liệu đều dựa trên nền tảng nhu cầu thực tế của các khách hàng.
Bên cạnh đó, dựa trên đơn hàng mà các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước ký kết với các khách hàng trên cơ sở hiệu quả của doanh nghiệp thì doanh nghiệp có thể mua trong nước hoặc nước ngoài. Mặt khác, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập nên cần phải mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác với các thị trường để học hỏi kinh nghiệm cũng như qua đó giúp mở rộng xuất khẩu ra các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản...
- Từ nhiều năm qua, ngành dệt may đã định hướng và các doanh nghiệp dệt may đã từng bước thực hiện đa dạng hoá nguồn cung nguyên phụ liệu để tránh những biến động bất thường gây gián đoạn nguồn cung, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Sự chủ động này đang mang lại ưu thế gì cho các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu, thưa ông?
Ông Vũ Đức Giang: Mười năm trở lại đây, Việt Nam đã sản xuất được một số sản phẩm có tính chiến lược của ngành khiến các doanh nghiệp dệt may cũng đã chủ động được phần nào nguồn cung nguyên phụ liệu. Đơn cử như sản phẩm vải veston đã có 7 nhà máy sản xuất; vải kaki, vải jeans cao cấp cũng đã có 6 nhà máy sản xuất, còn các nguyên phụ liệu khác như dây kéo, mếch dựng và các sản phẩm phụ liệu hỗ trợ khác hiện nay đều được sản xuất trong nước.
Song song với việc đẩy mạnh sản xuất nguyên phụ liệu trong nước, Việt Nam đang đẩy mạnh việc phối hợp với các doanh nghiệp trong khối ASEAN và một số doanh nghiệp trong nước đã chủ động đặt những đơn hàng có tính chiến lược dài hơi để tạo sự ổn định cho nguồn nguyên phụ liệu. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu của quá trình hội nhập, chính vì vậy doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa để hội nhập sâu, rộng hơn, chủ động hơn.
- Thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu là mục tiêu mang tính chiến lược và lâu dài. Theo ông, các doanh nghiệp dệt may trong nước có thể hiện thực hóa điều này bằng những giải pháp nào?
Ông Vũ Đức Giang: Để thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu không phải là việc đơn giản nhưng vẫn có một số giải pháp mang tính ổn định và chiến lược cho ngành công nghiệp dệt may Việt Nam. Chính vì thế, định hướng của Chính phủ và Nhà nước trong chiến lược phát triển nguồn nguyên phụ liệu phải có một giải pháp lâu dài trên ba trụ cột.
Trong đó, cơ chế chính sách của Nhà nước về phát triển các khu công nghiệp tập trung được ưu tiên đặt lên hàng đầu. Kế đó, Nhà nước phải định hướng cho các doanh nghiệp dệt may trong nước phối hợp với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để tận dụng được nguồn lực từ bên ngoài và bản thân các doanh nghiệp trong nước phải chủ động được trong việc phát triển công nghệ quản trị để đảm bảo các sản phẩm trong nước đầu tư được đúng hướng.
Ngoài ra, một vấn đề mang tính cốt lõi đó là các chính sách phải có tính xuyên suốt giúp tạo ra động lực để khuyến khích được các doanh nghiệp trong nước cũng như nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng.
- Nhiều chuyên gia cho rằng tham gia chuỗi cung ứng dệt may ASEAN (SAFSA) cũng là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp dệt may Việt Nam tránh được việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu quá lớn từ một thị trường. Xin ông cho biết, hiện nay các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã đạt được kết quả như thế nào trong quá trình tham gia vào các chuỗi cung ứng dệt may ASEAN?
Ông Vũ Đức Giang: Trong chuỗi cung ứng dệt may ASEAN, bản thân Việt Nam đã là thành viên thứ 6 của Hiệp hội Thời trang châu Á và hàng năm Việt Nam cũng tổ chức Hội nghị thường niên của Hiệp hội Dệt May châu Á cũng như Hiệp hội Dệt May ASEAN. Điều này cho thấy Việt Nam đã có những định hướng chiến lược từ lâu nhưng việc phối hợp với các doanh nghiệp dệt may trong khối ASEAN thì vẫn còn không ít khó khăn.
Nền công nghiệp dệt may trong khối ASEAN những năm vừa qua không còn thế mạnh như trước đây, các doanh nghiệp dệt may trong khối cũng đang phải nhập nguyên phụ liệu từ các thị trường như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc… Không những thế, các doanh nghiệp trong khối không đa dạng hóa được các dòng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp trong nước.
Chính vì những khó khăn đó, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã phối hợp với Hiệp hội Dệt May của các nước trong khối ASEAN nhằm đưa ra các giải pháp khắc phục khó khăn. Cũng từ đó mà dòng đầu tư của các nhà đầu tư trong khối vào Việt Nam ở lĩnh vực nguyên phụ liệu đã tăng dần, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng sản phẩm và đặc biệt là tỷ lệ nội địa hóa sẽ cao hơn rất nhiều.
Đáng lưu ý, đây còn là điều kiện tiên quyết để hưởng thuế suất 0% của các sản phẩm dệt may Việt Nam khi tham gia vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
- Một trong những nội dung của Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ Công thương công bố mới đây là “Tập trung phát triển mạnh các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên phụ liệu, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm trong ngành.” Theo ông, các doanh nghiệp dệt may cần được hỗ trợ, tạo điều kiện như thế nào để có thể phát triển thành công các dự án nguyên phụ liệu?
Ông Vũ Đức Giang: Điều quan trọng nhất để đạt được sự ổn định trong chiến lược phát triển công nghiệp dệt may là Chính phủ phải có cơ chế chính sách thúc đẩy. Song song với đó, vấn đề đào tạo nguồn lực cho ngành dệt may cần chú trọng nhiều hơn, nhất là đội ngũ kỹ sư về sợi, dệt, nhuộm, công nghệ thời trang và không thể bỏ qua lĩnh vực thiết kế thời trang.
Tuy nhiên, để các doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực quan trọng của sản xuất nguyên phụ liệu như dệt-nhuộm-hoàn tất trước hết cần thu hút các nhà đầu tư hoặc Chính phủ trực tiếp đầu tư vào các nhà máy xử lý nước thải trong các khu công nghiệp bằng các chính sách cụ thể như chính sách vay vốn đầu tư.
Ngoài ra, thu hút đầu tư trong và ngoài nước bằng cơ chế về thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp là một điều rất quan trọng để các nhà đầu tư yên tâm rằng các cơ chế chính sách này sẽ đảm bảo lợi nhuận cho các doanh nghiệp khi họ đầu tư vào lĩnh vực nguyên phụ liệu./.