Chủ động tham mưu, đề xuất chính sách về hội nhập quốc tế

Vụ Hợp tác kinh tế đa phương chủ động tham mưu, đề xuất chính sách hội nhập quốc tế, góp phần vào thành tựu đối ngoại ngành ngoại giao.
Chủ động tham mưu, đề xuất chính sách về hội nhập quốc tế ảnh 1Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gắn Huân chương Sao Vàng lên là cờ truyền thống của ngành ngoại giao Việt Nam. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trong những năm qua, cục diện thế giới và khu vực tiếp tục chuyển biến nhanh, phức tạp, tạo thời cơ và thách thức đan xen.

Nhận thức những yêu cầu mới của công tác đối ngoại, Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao luôn nỗ lực cao, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao về hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời chủ động đưa ra nhiều đề xuất thực hiện chủ trương “triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” góp phần vào những thành tựu đối ngoại chung của ngành.

Với những đóng góp đó, Vụ Hợp tác kinh tế đa phương là một trong hai đơn vị của Bộ Ngoại giao được nhận danh hiệu điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015.


Tham mưu chính sách về hội nhập quốc tế

Đường lối của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI về “triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” đã đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới về tư duy, chính sách và triển khai hoạt động đối ngoại. Vì thế, việc xây dựng chính sách cụ thể về hội nhập quốc tế toàn diện được xác định là công tác trọng tâm hàng đầu ngành ngoại giao phải triển khai.

Là đơn vị tác chiến trên nhiều diễn đàn đa phương, Vụ Hợp tác kinh tế đa phương xác định nghiên cứu là một trọng tâm công tác, nền tảng để đề xuất chính sách. Đơn vị đã triển khai 8 đề tài và 10 chuyên đề, đồng thời tranh thủ tư vấn chính sách của nhiều chuyên gia quốc tế.

Đây là cơ sở để đơn vị đề xuất tại các kỳ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27 (năm 2011) và Hội nghị Ngoại giao 28 (năm 2013) thay đổi tư duy “ngoại giao phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế” sang “ngoại giao triển khai hội nhập kinh tế quốc tế”, từ “gia nhập và tham gia” sang “chủ động đóng góp, khởi xướng và tích cực tham gia định hình các cơ chế hợp tác quốc tế”.

Vụ là một trong ba đơn vị đề xuất và chủ trì xây dựng Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, trong đó xác định hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm. Do đó, năm 2014, đơn vị vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã đóng góp xây dựng và triển khai Nghị quyết này.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao, cho biết: “Bước vào giai đoạn mới, chúng tôi luôn nhận thức rõ rằng nhiệm vụ của trụ cột ngoại giao kinh tế hiện nay hoàn toàn khác trước. Chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác đối ngoại nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng. Toàn thể cán bộ, nhân viên đơn vị đã nỗ lực cao độ để hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị được giao.

5 năm qua đánh dấu chặng đường quan trọng trong quá trình phát triển của đơn vị. Vụ đã trở thành một trong những đơn vị chủ lực của Bộ trong tham mưu chính sách, các vấn đề lớn về hội nhập quốc tế, đối ngoại đa phương, triển khai công tác ngoại giao kinh tế từ tham gia các cơ chế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đến các đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA), vận động quy chế kinh tế thị trường (KTTT), xử lý tranh chấp thương mại…”

Theo đó, đơn vị đã chủ trì, phối hợp với các Vụ trong Bộ đề xuất ý tưởng chính sách và tổ chức Hội nghị đầu tiên về đối ngoại đa phương ở quy mô toàn quốc ngày 12/8/2014 với sự tham dự của Lãnh đạo các bộ, ban, ngành, 63 tỉnh, thành phố và nhiều chuyên gia quốc tế có uy tín.

Thủ tướng Chính phủ đã tham dự và chỉ đạo xây dựng định hướng nâng tầm đối ngoại đa phương Việt Nam trong thời kỳ mới, nhất là khi nước ta đang nỗ lực hình thành Cộng đồng ASEAN, tham gia các liên kết kinh tế sâu rộng, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới…

Việc tham gia các đàm phán FTA thế hệ mới với hầu hết các trung tâm kinh tế lớn, mức độ cam kết cao trong thời gian qua là một chủ trương hội nhập quốc tế lớn, nổi bật của Việt Nam, không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn có tầm quan trọng chính trị, chiến lược. Vì vậy, việc thúc đẩy các đàm phán hiệp định thương mại tự do là một nhiệm vụ trọng tâm của ngoại giao kinh tế giai đoạn mới và đã huy động nhiều cán bộ xuất sắc trực tiếp tham gia đàm phán.

Vụ đóng góp xây dựng chủ trương, các phương án… đối với các đàm phán mà đơn vị phụ trách trực tiếp là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, Liên minh kinh tế Á-Âu (Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan), Khối mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) và Hàn Quốc.

Đơn vị đã chủ trì xây dựng đánh giá tổng thể từ góc độ chính trị, ngoại giao, xây dựng và triển khai đề án vận động chính trị, ngoại giao, nhằm thúc đẩy các lợi ích của ta, hỗ trợ xử lý các vấn đề phức tạp trong đàm phán và đã đóng góp tích cực vào việc hoàn tất 4 đàm phán then chốt trong năm nay là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, Liên minh kinh tế Á - Âu và Hàn Quốc, đưa quan hệ với các đối tác lên tầm cao mới và mở ra nhiều cơ hội phát triển...


Chủ động đóng góp tại các cơ chế đa phương

“Nâng cao hiệu quả tham gia của nước ta tại các cơ chế đa phương là nhiệm vụ cấp bách khi nền tảng kinh tế thế giới và tương quan lực lượng quốc tế đang chuyển dịch mạnh mẽ. Chúng tôi cho rằng cần phát huy tính sáng tạo, tăng cường phối hợp giữa các nhóm cán bộ phụ trách diễn đàn khác nhau, đẩy mạnh đào tạo tại chỗ đội ngũ cán bộ trẻ… thì mới có thể đáp ứng yêu cầu về tốc độ, cường độ của hoạt động đa phương trong thời đại công nghệ thông tin và toàn cầu hóa.

Các diễn đàn mà đơn vị chúng tôi được giao phụ trách là rất đa dạng, ở các tầng nấc khác nhau, hội tụ hầu hết các đối tác chiến lược và kinh tế, thương mại hàng đầu, đối tác toàn diện của Việt Nam. Do đó, với tư cách Trưởng SOM tại ASEM, cơ quan chủ trì điều phối chuẩn bị đăng cai Năm APEC 2017, thành viên của nhiều cơ chế liên ngành về hội nhập quốc tế… đơn vị đã phối hợp với các bộ, ngành để tham gia tích cực và đề xuất nhiều sáng kiến, ý tưởng hợp tác theo phương châm “chủ động đóng góp”, đồng thời thúc đẩy các quan tâm của về hòa bình, ổn định và phát triển”, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga chia sẻ.

Trong bối cảnh môi trường hòa bình, an ninh trên thế giới và ở khu vực đứng trước nhiều thách thức, cạnh tranh giữa các nước lớn phức tạp, đơn vị đã triển khai mạnh mẽ việc vận động, tranh thủ các nước. Tại các diễn đàn ASEM, APEC… từ năm 2012, ngày càng có nhiều thành viên lên tiếng ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đề cao lợi ích chung trong duy trì hòa bình, an ninh và ổn định để phát triển, thúc đẩy giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và nguyên tắc, chuẩn mực chung.

Trên cơ sở nắm bắt quan tâm chung của các nước các thách thức toàn cầu ngày càng gay gắt, thời gian qua, đơn vị đ ã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đề xuất và triển khai 28 sáng kiến trong ASEM và APEC, được nhiều thành viên ủng hộ, tham gia đồng sáng kiến, đưa nước ta trở thành một trong những thành viên tích cực nhất của hai diễn đàn này. Trong đó, nhiều sáng kiến thiết thực với địa phương, doanh nghiệp và người dân như an ninh lương thực, nông nghiệp bền vững, quản lý nguồn nước ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn, biến đổi khí hậu…

Đáng chú ý, từ năm 2011, Việt Nam cùng các nước ven sông Mekong và Đa-nuýp khởi x ướng cơ chế hợp tác đầu tiên trong ASEM về quản lý nguồn nước, nâng hợp tác tiểu vùng Mekong lên tầm liên khu vực. Năm 2012, đơn vị cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hỗ trợ bạn Lào đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM 9 và các hoạt động liên quan, góp phần tăng cường sự tin cậy, đoàn kết đặc biệt giữa hai nước.

Đồng thời, trong giai đoạn nước rút 5 năm qua của Kế hoạch vận động chính trị, ngoại giao các đối tác sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, đơn vị đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, vận động thêm được 36 đối tác, nâng tổng số lên 57 đối tác chính thức công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam.


Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế

Bảo đảm thành công của hội nhập quốc tế, Vụ Hợp tác kinh tế đa phương xác định nhiệm vụ quan trọng chính là việc góp phần tăng cường đồng thuận xã hội và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế.

Được giao phụ trách các dự án về hội nhập quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc và các đối tác quốc tế tài trợ, đơn vị đã nỗ lực đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, cách thức quản lý dự án, nhằm đẩy mạnh công tác chuẩn bị trong nước để hội nhập quốc tế.

Đơn vị đã chủ trì, phối hợp tổ chức gần 100 hội nghị, tọa đàm chính sách, hội nghị quán triệt Nghị quyết 22, các vấn đề mới trong hội nhập quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế..., tổ chức gần 70 khóa đào tạo trong nước,10 khóa tập huấn nước ngoài về kỹ năng hội nhập quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế và đối ngoại đa phương, với sự tham gia của đông đảo l ãnh đạo, cán bộ các bộ, ban, ngành, 63 tỉnh, thành phố.

Dự án đặc biệt chú trọng hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động, nghiên cứu về hội nhập quốc tế của các ban Đảng, Quốc hội, vùng sâu, vùng xa, phụ nữ, doanh nghiệp… góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức, sự đồng thuận xã hội.

Từ những nỗ lực trên, trong 5 năm qua Vụ hợp tác kinh tế đa phương đã vinh dự, tự hào là một trong những đơn vị tiêu biểu của ngành trong phong trào thi đua yêu nước. Tập thể và các cá nhân của Vụ đã được trao tặng nhiều danh hiệu, hình thức khen thưởng, tiêu biểu là Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2012, Cờ thi đua Chính phủ 4 năm liên tục, Cờ thi đua của Bộ 5 năm liên tục, Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2013./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục