Chủ lao động nợ lương, bỏ trốn: Không thể thu hút đầu tư bằng mọi giá

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam dự báo tình trạng chủ bỏ trốn, mất tích sẽ diễn ra phức tạp hơn trong thời gian tới, do đó không thể thu hút đầu tư bằng mọi giá.
Chủ lao động nợ lương, bỏ trốn: Không thể thu hút đầu tư bằng mọi giá ảnh 1Công nhân Công ty Sang Hun được lại tiền lương sau khi chủ bỏ trốn.

Trong những năm gần đây, tình trạng chủ doanh nghiệp nước ngoài “mất tích” hoặc “bỏ trốn” mất liên lạc xảy ra ngày càng thường xuyên hơn. Chủ doanh nghiệp bỏ trốn, để lại những món nợ khổng lồ về tiền lương, thuế, bảo hiểm xã hội… ảnh hưởng tới quyền lợi của hàng trăm nghìn người lao động. Tuy nhiên, việc xác định “doanh nghiệp bỏ trốn” là như thế nào trong các quy định của pháp luật hiện hành vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, cách thức phòng ngừa và giải quyết quyền lợi của người lao động tại doanh nghiệp phá sản, chủ bỏ trốn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ngày 4/6 tại Hà Nội.

Nợ bảo hiểm xã hội hơn 1.000 tỷ đồng

 Hiện tình trạng phá sản, rút giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng tăng lên. Theo bà Trần Thị Thanh Hà, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, dù khó để có được số liệu đầy đủ do hạn chế trong báo cáo của các địa phương, nhưng theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì tính đến ngày 31/10/2018, số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi là 6.760 tỷ đồng, chưa kể đến số tiền nợ lương của người lao động.

Tính đến tháng 10/2018, tổng số tiền nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, đang chờ phá sản, doanh nghiệp có chủ là người nước ngoài bỏ trốn cho gần 60.000 lao động… là hơn 1.000 tỷ đồng.

Trong số các địa phương, Thành phố Hồ Chí Minh được xem là “điểm nóng” diễn ra tình trạng doanh nghiệp phá sản, chủ bỏ trốn. Qua thống kê của Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2013-2018, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 20 trường hợp doanh nghiệp phá sản, chủ bỏ trốn. Theo đó, 4.282 người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi, chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp may (với 3.746 người lao động). Tổng số tiền doanh nghiệp nợ lương là hơn 23 tỷ đồng, nợ bảo hiểm xã hội hơn 58 tỷ đồng.

Đại diện Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, phân loại theo đối tác đầu tư có 8 doanh nghiệp trong nước là phá sản, bỏ trốn, còn lại có tới 12 doanh nghiệp thuộc FDI.

Còn tại Đồng Nai, một địa phương tập trung lực lượng lớn lao động, theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, việc doanh nghiệp phá sản, chủ bỏ trốn luôn để lại hậu quả nặng nề mà đối tượng chịu tác động trực tiếp đó là người lao động. Trong 7.272 lao động của doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, phá sản có trên 5.000 người lao động bị ảnh hưởng liên quan đến việc doanh nghiệp chi trả chế độ chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế...

Chủ lao động nợ lương, bỏ trốn: Không thể thu hút đầu tư bằng mọi giá ảnh 2Hầu hết các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn đều nợ bảo hiểm xã hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Điển hình gần đây là vụ "biến mất" của Công ty trách nhiện hữu hạn KL Texwell Vina, 100% vốn Hàn Quốc, ở Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom vào dịp cận Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Lãnh đạo công ty bỏ trốn về nước với tổng số tiền lương còn nợ lại gần 13,7 tỷ đồng, khiến hơn 1.900 người lao động lao đao, mất hết quyền lợi. Vụ việc diễn ra vào thời điểm cận Tết Nguyên đán ảnh hưởng lớn đến đời sống người lao động, không tiền lương, tiền thưởng. Đặc biệt, các chế độ chính sách khác như bảo hiểm thất nghiệp, thai sản... của người lao động cũng không được giải quyết.

Không thu hút đầu tư bằng mọi giá

Theo các Liên đoàn lao động tỉnh, thành, nhiều doanh nghiệp có chủ bỏ trốn đều nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương cũng như các chế độ khác của người lao động. Chủ doanh nghiệp thường âm thầm tẩu tán tài sản hoặc trước khi mất tích và giao lại cho người quản lý tiếp tục điều hành hoạt động doanh nghiệp. Trong khoảng thời gian này, người quản lý luôn hứa hẹn chờ thu tiền khách hàng nợ đến kỳ thanh toán sẽ chi trả lương, phép năm...

Người quản lý giải quyết nhanh gọn về thu hồi công nợ, thanh lý một số tài sản giá trị thì cũng sẽ biến mất theo chủ doanh nghiệp hoặc tuyên bố không liên lạc được với chủ doanh nghiệp. Khi đó, người lao động sẽ hoang mang, nhốn nháo… Khi các cơ quan chức năng vào cuộc, người quản lý sẽ khai báo mình cũng là người lao động làm thuê cùng chung cảnh ngộ, cũng bị nợ lương... nhưng lại không khiếu kiện gì cả và chấp nhận mất việc.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam dự báo tình trạng chủ bỏ trốn, mất tích sẽ diễn ra phức tạp hơn trong thời gian tới.

[Đồng Nai: Kiến nghị cấm xuất cảnh với đại diện doanh nghiệp nợ BHXH]

“Dù các cấp công đoàn đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ cho người lao động, song còn rất nhiều vấn đề rất lớn đặt ra, đặc biệt là khoảng trống về mặt pháp lý, trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật của các chủ đầu tư”, ông Ngọ Duy Hiểu thừa nhận.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, không thể thu hút đầu tư bằng mọi giá để bảo vệ quyền lợi của người lao động khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Doanh nghiệp có ý đồ không tốt trong đầu tư không thể coi Việt Nam là môi trường kinh doanh “dễ dãi” hay “thiên đường” để thực hiện hành vi trốn thuế, lừa đảo người lao động.

Trước những thực tế như vậy, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết đã kiến nghị với Chính phủ cần bổ sung vào luật những quy định pháp lý để giải quyết tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động, nhất là khi tiến hành tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các tỉnh trong thu hút đầu tư cần lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực về tài chính, quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có ý thức tuân thủ pháp luật và trách nhiệm xã hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục