Chủ tịch Fed khẳng định kinh tế Mỹ vẫn trong ''thể trạng tốt''

Với những rủi ro dần suy yếu như sự không chắc chắn của chính sách thương mại và tăng trưởng toàn cầu ổn định hơn, Chủ tịch Fed cho rằng kinh tế Mỹ đang hoạt động tốt.
Chủ tịch Fed khẳng định kinh tế Mỹ vẫn trong ''thể trạng tốt'' ảnh 1Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trong phiên điều trần trước Ủy ban dịch vụ tài chính Hạ viện ở Washington D.C. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong phiên điều trần trước Quốc hội ngày 11/2, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nói rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang trong “thể trạng tốt,” dù vẫn có mối đe dọa tiềm tàng từ dịch viêm đường hô hấp COVID-19 tại Trung Quốc cũng như những lo ngại về sức khỏe lâu dài của nền kinh tế này.

Với những rủi ro dần suy yếu như sự không chắc chắn của chính sách thương mại và tăng trưởng toàn cầu ổn định hơn, ông Powell phát biểu trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hạ viện rằng kinh tế Mỹ đang hoạt động tốt.

Tính đến nay, chuỗi tăng trưởng của kinh tế Mỹ đã kéo dài sang năm thứ 11 - giai đoạn tăng trưởng dài kỷ lục của nước này.

Người đứng đầu Fed cho rằng không có lý do gì để đà mở rộng của kinh tế Mỹ không thể tiếp tục.

[Chủ tịch Fed cảnh báo Quốc hội Mỹ về thâm hụt ngân sách]

Ông Powell cũng lặp lại quan điểm của Fed rằng phạm vi lãi suất mục tiêu từ 1,50-1,75% như hiện tại là "phù hợp" để kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng.

Song Chủ tịch Fed cũng nói rằng sự bùng phát dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến Trung Quốc cùng các nước láng giềng cũng như các đối tác thương mại của nước này. Diễn biến trên rất có thể sẽ có một số ảnh hưởng đối với kinh tế Mỹ.

Theo ông Powell, câu hỏi ở đây là liệu dịch bệnh có những tác động dai dẳng dẫn đến việc Fed phải đánh giá lại triển vọng tăng trưởng hay không. Song, người đứng đầu ngân hàng trung ương của Mỹ cho rằng còn quá sớm để xác định được câu trả lời.

Chủ tịch Powell cũng lưu ý thị trường lao động mạnh hơn đã khiến các nhà tuyển dụng sẵn sàng thuê những lao động có ít kỹ năng hơn để rồi dễ dàng sa thải họ. Ông cũng chỉ ra một số dấu hiệu đáng lo ngại trong thị trường lao động, bao gồm tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của các cá nhân trong độ tuổi trưởng thành của Mỹ thấp hơn so với hầu hết các nền kinh tế phát triển khác.

Ông lưu ý việc tăng cường mức độ tham gia thị trường lao động và năng suất lao động vẫn nên là ưu tiên quốc gia.

Mức lạm phát trung bình dựa trên chỉ số giá tiêu dùng cá nhân tại Mỹ chỉ đạt 1,6% trong năm 2019, thấp hơn mục tiêu 2% do Fed đề ra. Chủ tịch Fed dự kiến con số trên sẽ tiến gần hơn đến mức mục tiêu trong vài tháng tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.