Tại cuộc gặp gỡ các doanh nhân Mỹ ngày 28/9, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết nền kinh tế nước này không đối mặt với nhiều rủi ro suy thoái trong hai năm tới.
Khi được hỏi liệu khoảng cách đang ngày càng thu hẹp giữa lãi suất ngắn hạn và dài hạn có có phải là dấu hiệu về một đợt suy giảm kinh tế sắp xảy ra hay không, ông Powell cho biết các mô hình phân tích của Fed cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Fed đã lần thứ ba trong năm nay tăng lãi suất như một phần nỗ lực kiềm giữ tỷ lệ lạm phát của Mỹ không tăng quá cao.
Trong buổi gặp các doanh nhân khu vực Rhode Island, ông Powell nhắc lại quan điểm rằng việc lãi suất tăng dần và trở lại mức bình thường sẽ giúp nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng mạnh vì lợi ích của tất cả người dân Mỹ.
[ECB: Mỹ sẽ thiệt hại nhiều nhất nếu kích hoạt cuộc chiến thương mại]
Điểm đáng chú ý trong thông báo công bố ngày 26/9 của Fed là cụm từ “thích ứng” (accommondative) đã không xuất hiện.
“Thích ứng” là một cụm từ quen thuộc dùng để miêu tả quan điểm chính sách của Fed trong một thập niên qua, nhằm cho thấy họ sẽ không làm ảnh hưởng tới đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.
Đây là một thay đổi lớn đối với Fed, khi cơ quan này đã làm mọi thứ có thể để định hướng các thị trường phù hợp với các chính sách của họ giữa lúc Fed nỗ lực vực dậy nền kinh tế Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Một số nhà đầu tư đã ngay lập tức cho rằng đó là dấu hiệu Fed sắp chấm dứt giai đoạn tăng lãi suất của mình. Nhưng Chủ tịch Powell sau đó đã phủ nhận việc bỏ cụm từ trên là một chỉ dấu cho chính sách tương lai của Fed.
Bên cạnh đó, ngay sau khi Fed nâng lãi suất, đã có những dự báo cho thấy hầu hết giới chuyên gia mong đợi cơ quan này sẽ tăng lãi suất thêm năm lần nữa trước khi dừng lại vào khoảng năm 2020.
Song ông Powell cho biết thị trường không nên đặt quá nhiều niềm tin vào các dự báo như vậy bởi chúng có thể thay đổi, một khi các số liệu mới được công bố.
Chủ tịch Powell nói rằng Fed sẽ tìm kiếm những tín hiệu từ nền kinh tế, như sự suy giảm của thị trường lao động, những biến động mạnh về tiền lương hoặc lạm phát, hay các điều kiện tài chính bất ngờ bị siết chặt, để cân nhắc việc chấm dứt chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của họ./.