Tổng thống Mỹ Trump chưa thể là nhà đàm phán thương mại tài ba

Việc để mất TPP đã đủ tồi tệ, song những thiệt hại còn nhiều hơn thế do cách xử lý “lóng ngóng” trong thương mại của Tổng thống Mỹ Trump đã cho thấy ông chưa thể là nhà đàm phán tài ba như ông nhận.
Tổng thống Mỹ Trump chưa thể là nhà đàm phán thương mại tài ba ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: EFE/TTXVN)

Theo Trang mạng thehill, trong bối cảnh chính sách thương mại đang “rối như tơ vò,” Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tìm cách tái trấn an người dân Mỹ rằng mọi chuyện vẫn ổn hoặc "sẽ sớm đâu vào đấy."

Ông cho biết chính quyền đang xúc tiến “những thỏa thuận thương mại lớn” có thể bắt đầu mang lại những lợi ích rất đáng kể sau khi được thực thi. Đó là một tuyên bố đầy hy vọng. Tuy nhiên, thực chất có rất nhiều việc cần phải làm chỉ để đưa nước Mỹ trở lại trước thời điểm Trump nhậm chức.

Chỉ vài ngày sau khi bước vào Phòng Bầu dục, quyết sách mở màn trong lĩnh vực thương mại của Trump là rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận lẽ ra có thể giúp Mỹ dễ dàng tiếp cận với 5 thị trường mà hiện Washington chưa ký thỏa thuận thuận thương mại tự do, trong đó có Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Theo một đánh giá đáng tin cậy, TPP có thể mang lại nguồn thu 131 tỷ USD mỗi năm cho Mỹ. Người dân Mỹ có thể thu về hàng tỷ USD nếu Trump, thay vì phủi bỏ TPP, hối thúc Quốc hội Mỹ thông qua hiệp định này hồi mùa Hè năm ngoái.

Nói theo ngôn ngữ của các nhà kinh tế, TPP là cơ hội mang lại nhiều giá trị. Cơ hội đó gia tăng theo từng ngày và Chính quyền Trump đã không thể bù đắp được hết những mất mát và thiệt hại khi từ bỏ nó.

[Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Nhiều nguy cơ đổ vỡ]

Việc để mất TPP đã đủ tồi tệ, song những thiệt hại còn nhiều hơn thế do cách xử lý “lóng ngóng” trong thương mại của Trump.

Khó có thể có được một thống kê chính xác về những thiệt hại do cách tiếp cận thiếu hiểu biết của Trump. Riêng hãng sản xuất ôtô lớn của Mỹ General Motors cho biết con số thiệt hại đã tăng lên 300 triệu USD do những chi phí phát sinh liên quan đến sắc lệnh thuế đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu mà Tổng thống Trump công bố.

Trong khi đó, ngành công nghiệp bia ước tính sẽ phải chịu thiệt hại 347 triệu USD mỗi năm. Thậm chí, hãng sản xuất nhôm Alcoa đã thừa nhận rằng mức thuế đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu từ Canada khiến công ty này mỗi năm thiệt hại từ 144-168 triệu USD.

Những doanh nghiệp này chỉ là những “mảnh ghép nhỏ” trong nền kinh tế Mỹ, do đó tổng thiệt hại do quyết định áp thuế kim loại thực tế phải lên đến hàng trăm triệu USD. Tác động tiêu cực tới toàn bộ nền kinh tế chắc chắn còn lớn hơn rất nhiều.

Việc áp thuế 25% đối với số hàng hóa trị giá 50 tỷ nhập khẩu từ Trung Quốc - sẽ sớm tăng lên 200 tỷ USD hoặc hơn nữa - sẽ tạo thêm gánh nặng, và còn khiến Mỹ gánh chịu thiệt hại thêm nhiều tỷ USD nữa do tác động từ các đòn trả đũa mà Bắc Kinh đang cân nhắc.

Phí tổn còn lớn hơn bởi chính quyền dự kiến sẽ chi khoảng 12 tỷ USD để hỗ trợ nông dân ứng phó với những ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại.

Con số thiệt hại chưa thể tính hết, song phí tổn chắc chắn sẽ lên đến hàng chục tỷ USD - nếu không muốn nói là còn cao hơn.

Để bù đắp phần nào những mất mát ấy, Tổng thống tuyên bố chính quyền đang thúc đẩy nhiều thỏa thuận thương mại lớn song người ta khó tránh khỏi hoài nghi.

Những thay đổi trong thỏa thuận thương mại song phương sẵn có với Hàn Quốc là quá ít ỏi và không đáng kể. Tiến trình tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với nhiều ồn ào chủ yếu xoay quanh các thay đổi đối với ngành sản xuất ôtô và sẽ khiến hoạt động sản xuất trở nên phức tạp cũng như kém hiệu quả hơn.

Những yếu tố này có thể được bù đắp phần nào bởi những thay đổi tích cực hơn ở một số nội dung khác trong hiệp định. Tuy nhiên, chắc chắn những người kỳ vọng vào một biến chuyển có lợi đáng kể cho doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ sẽ phải thất vọng.

Trên thực tế, NAFTA sẽ có cái kết khá tồi tệ nếu Mỹ thất bại trong việc đạt được một thỏa thuận với Canada, trong khi đó, thỏa thuận sửa đổi với Hàn Quốc đang đối mặt với nhiều nguy cơ trước đe dọa áp thuế mới đối với mặt hàng ôtô nhập khẩu của Tổng thống Trump.

Khó có khả năng Mỹ và Trung Quốc sớm đạt được một thỏa thuận trong ngắn hạn, trong khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dù đã nhất trí kiềm chế việc tăng thuế, song vẫn chưa thể đi tới thống nhất về những thỏa thuận hiện hành.

Những tiến triển trong thương mại, nếu có, chủ yếu liên quan tới các thỏa thuận thương mại tự do mà Chính quyền Trump đang xúc tiến với Philippines và một nước châu Phi chưa được công bố cụ thể.

Dù là những động thái được hoan nghênh, song lợi ích thu về từ những thỏa thuận nói trên cũng không thể so sánh với việc Mỹ thông qua TPP, bởi thực tế tổng GDP của Philippines và Nigeria - nền kinh tế lớn nhất châu Phi - cũng vẫn thấp hơn GDP của Nhật Bản (một thành viên của TPP) hơn 7 lần.

Trong thương mại, Trump rõ ràng chưa thể chứng minh rằng ông là một nhà đàm phán tài ba như ông vẫn tự nhận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.