Chủ tịch Mặt trận khảo sát các mô hình kinh tế nông nghiệp

Ngày 27/3, Chủ tịch Mặt trận làm việc với huyện Đan Phượng, Hoài Đức (Hà Nội), thăm và khảo sát mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiệp.

Ngày 27/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã làm việc với Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân các huyện Đan Phượng, Hoài Đức của Hà Nội, thăm và khảo sát một số mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiệp.

Sau khi thăm và trực tiếp khảo sát các mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi kết hợp trồng cây cảnh tại xã Song Phượng, khu trồng hoa cây cảnh của Hợp tác xã nông nghiệp Đan Hoài tại xã Đan Phượng và khu trồng rau an toàn của Hợp tác xã Phương Đình, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã làm việc với lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện Đan Phượng, nghe tình hình phát triển hợp tác xã và các mô hình kinh tế nông nghiệp trên địa bàn.

Theo báo cáo của huyện, đến nay, Đan Phượng có 21 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động, với trên 56.000 xã viên. Các hợp tác xã này chủ yếu làm nhiệm vụ định hướng về thời vụ, cơ cấu cây trồng cho nông dân, do đó các khoản thu chỉ bù đủ chi phí, không có lợi nhuận nên cơ sở vật chất, trụ sở, mương tưới không có tái đầu tư.

Thực hiện Luật hợp tác xã năm 2012, huyện đã kêu gọi thành lập một số hợp tác xã mới theo hướng nông dân tự liên kết, góp đất, góp vốn cùng sản xuất và tự tiêu thụ sản phẩm.

Hiện Đan Phượng đã thành lập được hai hợp tác xã kiểu mới chuyên canh rau an toàn và hoa. Hoạt động của các hợp tác xã này cho thấy bền vững và hiệu quả hơn mô hình hợp tác xã cũ, phù hợp với cơ chế thị trường, trong quá trình hoạt động có phát sinh lợi nhuận. Nhà nước chỉ lo đầu tư phần hạ tầng mà hợp tác xã không tự làm được. Đan Phượng đang chỉ đạo rút kinh nghiệm từ hai mô hình hợp tác xã này để tiến tới thành lập hợp tác xã chuyên chăn nuôi bò sữa.

Bên cạnh phát triển kinh tế hợp tác xã, Đan Phượng cũng đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ. Toàn huyện có 20 hộ cá thể sản xuất với quy mô lớn, nhiều hộ nuôi trên 100 con lợn, 1.000 con gà.

Một số hộ nuôi gia súc, gia cầm được các doanh nghiệp cung ứng giống, thức ăn, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, nông dân chỉ phải tổ chức chăn nuôi, xây dựng chuồng trại. Cách làm này đã giúp nông dân yên tâm sản xuất, sản xuất an toàn, bền vững hơn, không lo bấp bênh về giá, giảm thiểu dịch bệnh phát sinh.

Huyện Đan Phương đang kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất trong nông nghiệp, nơi nào khó khăn trong kêu gọi đầu tư, huyện sẽ thành lập hợp tác xã để sản xuất chuyên canh trên diện tích đã quy hoạch.

Qua khảo sát mô hình và làm việc với huyện Đan Phượng, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng việc nắm bắt thông tin về các mô hình sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả mô hình hộ nông dân sản xuất độc lập, hộ nông dân có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, hộ nông dân liên kết thông qua hợp tác xã, hợp tác xã kiểu cũ trong đó nông dân làm công cho hợp tác xã và mô hình hợp tác xã kiểu mới là xã viên gắn với đất đai, là điều quan trọng để làm rõ mô hình cơ sở, mô hình tế bào của sản xuất nông nghiệp, đánh giá, phân tích hiệu quả của từng mô hình, sự chuyển dịch của sản xuất nông nghiệp.

Những nhận định này sẽ giúp định hình một mô hình mới cho kinh tế hợp tác. Tới đây, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Việt Nam sẽ cùng Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh các hợp tác xã tổ chức tọa đàm về việc phát triển kinh tế hợp tác nông nghiệp trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, trong một thời gian dài hợp tác xã đã hoạt động như doanh nghiệp, nông dân như người làm công là trái với bản chất hợp tác xã. Đã là nông dân phải có đất, chuồng trại của mình, nông dân không phải trực tiếp “xông” ra thị trường mà phải thông qua hợp tác. Không thể có thương hiệu cho hàng nghìn xã viên, muốn xây dựng được thương hiệu phải qua hợp tác xã.

Các doanh nghiệp, các siêu thị không thể ký hợp đồng mua sản phẩm với từng xã viên mà phải thông qua hợp tác xã. Chỉ hợp tác xã mới đủ sức đàm phán với doanh nghiệp khi hợp đồng cũ có tranh chấp, đủ điều kiện pháp lý, xuất xứ, thương hiệu đưa hàng vào siêu thị. Sắp tới nên có định hướng sâu, làm rõ phương thức hỗ trợ hợp tác, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Làm việc với lãnh đạo huyện Hoài Đức, ông Nguyễn Thiện Nhân chúc mừng huyện đã có 52% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện có nhiều giải pháp xác định cây trọng điểm, đã chọn những cây có lợi thế và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như nhãn chín muộn, bưởi đường Quế Dương.

Ông lưu ý các giống cây chủ lực như phật thủ, bưởi, rau an toàn, địa phương cần quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, hàng hóa phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Huyện cần tập trung đánh giá về tính hiệu quả, quy mô của các hợp tác xã, trình độ của chủ nhiệm hợp tác xã, việc lo đầu ra cho các sản phẩm do xã viên sản xuất...

Khảo sát mô hình trồng cây phật thủ được nhân dân xã Đắc Sở phát triển mạnh, được nhiều địa phương trong cả nước biết đến, mang lại giá trị kinh tế rất cao, từ 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm, ông Nguyễn Thiện Nhân gợi ý về một mô hình hợp tác xã chuyên canh phật thủ để nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục