Chủ tịch nước chỉ đạo ngành Kiểm sát nâng cao công tác công tố

Chủ tịch nước nhấn mạnh: Mặc dù thời gian qua một số vụ án tham nhũng và kinh tế lớn đã được xét xử kịp thời, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Chủ tịch nước chỉ đạo ngành Kiểm sát nâng cao công tác công tố ảnh 1Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Ngày 8/7, tại buổi làm việc với lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm nay, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng tình hình tội phạm vẫn diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt một số lĩnh vực như tội phạm tham nhũng, ma túy tuy có giảm số vụ nhưng tính chất và quy mô lại lớn hơn và tinh vi hơn.

Thực tế đang đặt ra những yêu cầu nhiệm vụ nặng nề hơn cho ngành Kiểm sát nói riêng và cả hệ thống chính trị nói chung.

Ghi nhận những kết quả mà ngành Kiểm sát đạt được trong 6 tháng qua; trong đó công tác công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp có chuyển biến tích cực, Chủ tịch nước đề nghị lãnh đạo các đơn vị trực thuộc cần phải tìm ra nguyên nhân để sớm khắc phục, tránh tạo nên dư luận không đúng, nhất là đối với xử lý các vụ án kinh tế, chức vụ.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: Mặc dù thời gian qua một số vụ án tham nhũng và kinh tế lớn đã được xét xử kịp thời, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cho rằng việc tranh tụng tại các phiên tòa của kiểm sát viên vẫn còn hạn chế. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, đòi hỏi phải tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ để đáp ứng tiến trình cải cách tư pháp của Việt Nam và nhất là chống bỏ lọt tội phạm và hạn chế thấp nhất án oan sai.

Nhấn mạnh cần phải tích cực hơn nữa trong việc hoàn thiện pháp luật theo Hiến pháp mới, Chủ tịch nước yêu cầu ngành Kiểm sát rà soát các quy định, phối hợp với các bộ, ngành làm rõ những vướng mắc, kể cả về lý luận và thực tiễn để sớm thông qua được các đề án, dự án luật tạo hành lang pháp lý cho công tác thực thi pháp luật hiệu quả.

Báo cáo tại buổi làm việc, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết 6 tháng đầu năm nay, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp; số vụ án về tội phạm sở hữu, quản lý kinh tế, chức vụ tăng 7,5%. Tuy nhiên một số loại tội phạm khác như tham nhũng, xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm ma túy... giảm từ 2-14%.

Đặc biệt đầu tháng Năm vừa qua, trước tình hình Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, một số đối tượng đã lợi dụng biểu tình phản đối Trung Quốc để kích động, lôi kéo người dân vi phạm pháp luật; một số đối tượng có hành vi kích động, gây rối nhằm gây mất ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội. Các tranh chấp về dân sự, khiếu kiện hành chính vẫn diễn biến phức tạp, chủ yếu là vấn đề thu hồi đất và đền bù giải phóng mặt bằng...

Trước thực tế đó, các cơ quan tư pháp nói chung, ngành Kiểm sát nói riêng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chủ động đấu tranh phòng chống đối tương vi phạm, tội phạm đưa ra truy tố xét, xử kịp thời đã góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội tại một số điểm nóng; đồng thời đã điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng lớn tạo được niềm tin trong nhân dân.

Cùng với đó, ngành Kiểm sát đẩy mạnh công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, đã tạo chuyển biến tích cực trong chống bỏ lọt tội phạm và oan sai. Bên cạnh đó, ngành Kiểm sát cũng tích cực triển khai thi hành Hiến Pháp mới, đổi mới công tác tổ chức cán bộ, mở rộng hợp tác quốc tế nhằm tăng cường năng lực thực thi pháp luật.

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại cần khắc phục đó là kết quả phát hiện tội phạm, nhất là tội phạm về tham nhũng, kinh tế chức vụ chưa nhiều; chất lượng điều tra án tham nhũng chưa cao, nhiều vụ án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung; chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại một số phiên tòa tuy chuyển biến, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục