Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 24/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội.
Còn tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm
Phát biểu ý kiến thảo luận tổ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế-xã hội, trong đó cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra và tiếp tục trở thành điểm sáng của kinh tế toàn cầu.
"Những kết quả đạt được rất ấn tượng. Vừa qua, tôi tham gia một số hoạt động đa phương, gặp gỡ một số lãnh đạo các nước, cơ bản đánh giá rất cao nỗ lực, kết quả của chúng ta và có sự rất chân thành trong trao đổi khi nói về ấn tượng đối với phát triển kinh tế Việt Nam," Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nói.
Tuy vậy, Chủ tịch nước chỉ rõ hạn chế, khó khăn còn rất nhiều, rất lớn. Nhiều công việc cần phải giải quyết nhưng khả năng giải quyết của các cơ quan Nhà nước chưa đáp ứng được. Nhiều vấn đề cần tháo gỡ nhưng khả năng tháo gỡ còn hạn chế.
Đề cập Chương trình Phục hồi Phát triển Kinh tế-Xã hội sau dịch COVID-19, Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Kỳ vọng rất lớn, Quốc hội thảo luận quyết tâm rất cao nhưng triển khai còn rất chậm. Hay đầu tư công, tưởng chừng như cái khó là không có tiền để chi tiêu nhưng mà có tiền rồi vẫn không chi tiêu được."
Phân tích một số yếu tố gây tác động, khó khăn, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá tình hình thế giới và khu vực cũng tác động rất nhiều, như: việc nâng chuẩn hàng tiêu dùng xanh và sạch hơn của cộng đồng châu Âu; đời sống kinh tế khó khăn ở một số nước làm cho nhu cầu tiêu dùng giảm đáng kể và ảnh hưởng rất lớn đến hàng xuất khẩu; nhiều đơn hàng phải dừng lại; rồi xung đột vũ trang, chiến tranh ở một số nơi...
Về một số nguyên nhân dẫn đến hạn chế, vướng mắc, Chủ tịch nước chỉ rõ việc phân cấp, phân quyền đạt kết quả chưa cao, chưa rõ ràng, chưa khích lệ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hệ thống chính trị.
"Kết luận của Đảng có nêu phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền rõ ràng, minh bạch theo hướng từng cấp phải xác định rõ được thẩm quyền và trách nhiệm của mình, để cấp dưới không đi hỏi cấp trên chuyện của mình và để cấp trên không phải với tay xuống làm những việc của cấp dưới. Khi cần thiết phải hỏi thì phải trả lời là rõ ràng, minh bạch. Nhưng điều này chúng ta chưa thực hiện được," Chủ tịch nước cho biết.
Nguyên nhân tiếp theo được Chủ tịch nước chỉ ra là trách nhiệm trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn chưa cao. Bên cạnh đó là tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm...
Chủ tịch nước cho rằng trước hết, từng địa phương phải thực sự làm, phải thực sự nghiên cứu, tháo gỡ xem vướng mắc, khó khăn từ đâu. Lãnh đạo địa phương khi có việc gặp phải vướng mắc chỉ rõ, cụ thể vướng luật nào, nghị định nào, thông tư nào, tránh tình trạng chung chung...
Giải pháp trước mắt và lâu dài cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 24/10, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) cho biết cử tri và nhân dân cả nước đánh giá rất cao sự đổi mới, sáng tạo và những quyết sách kịp thời hiệu quả. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu đoàn Vĩnh Long chia sẻ Đồng bằng sông Cửu Long có 13 tỉnh, thành phố với diện tích tự nhiên gần 4 triệu km2 (khoảng 13% diện tích cả nước), dân số khoảng 18 triệu người (19% cả nước) có nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh nổi trội đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo với nhiều chủ trương, chính sách.
[Họp Quốc hội: Đổi mới cách tổ chức, đáp ứng nguyện vọng cử tri]
Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị được ban hành một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán và sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến sự phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, quyết tâm xây dựng và phát triển để Đồng bằng sông Cửu Long thực sự trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư, định hướng rõ hơn về phát triển bền vững, đặc biệt là thực trạng và tác động của hạn mặn, ngập lụt đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua và những dự báo trong thời gian tới.
Trong phần thảo luận tại tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian trao đổi với các đại biểu liên quan tới các vấn đề về đầu tư phát triển, ứng phó với biến đổi khí hậu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng nhấn mạnh qua khảo sát, có thể thấy Đồng bằng sông Cửu Long hiện phải đối mặt với một số vấn đề như: sụt lún, sạt lở, hạn hán, ngập mặn. Chính phủ đã quyết định chi 4.000 tỷ đồng cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khắc phục trước mắt những vấn đề trên. Thủ tướng đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội giám sát việc sử dụng nguồn lực này.
Về lâu dài, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần có những dự án lớn, đặc biệt tại là các tỉnh Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cà Mau... Đây là những tỉnh bị sạt lở nhiều, mất đất do sạt lở, biến đổi khí hậu nhiều thì cần có những dự án lớn để khắc phục thiên tai.
"Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều việc cần làm nhưng cả trước mắt và lâu dài là khắc phục sạt lở, sụt lún, ngập mặn, hạn hán," Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, tình trạng sạt lở các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề lớn, vừa phải giải quyết vấn đề trước mắt nhưng cũng phải xây dựng các dự án lớn mang tính lâu dài để ngăn chặn tác động tiêu cực đến khu vực này. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ xác định. Những dự án cần triển khai là chống sạt lở, sụt lún, ngập mặn và biến đổi khí hậu. Việc này cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực. Những dự án vay vốn quốc tế cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
“Nếu đã đi vay, phải làm các dự án lớn, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái chứ không làm vụn vặt, manh mún. Thay vì dàn trải, chúng ta làm những vấn đề lớn như chống sụt lún, sạt lở, ngập mặn, biến đổi khí hậu," Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, đồng thời cho rằng phải có tư duy, phương thức, cách tiếp cận mới để vừa giải quyết vấn đề trước mắt, vừa có giải pháp căn cơ lâu dài.
Theo Thủ tướng, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng quy trình trồng 1 triệu ha lúa sạch, phát triển nông nghiệp Xanh, phát triển bền vững phục vụ cho an ninh lương thực và xuất khẩu bền vững.
Thủ tướng lưu ý đến việc tập trung giải quyết các vấn đề lớn khác như: ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực và phát triển, khai thác hạ tầng giao thông bền vững gắn với lợi thế sông nước của vùng./.