Chủ tịch nước đề cao quan hệ Việt Nam và Nhật Bản

Chủ tịch nước nói rằng dẫu không cận kề về địa lý, nhưng sự tương đồng về văn hóa, những liên hệ lịch sử là chất keo tự nhiên gắn kết 2 dân tộc.

Sáng 18/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm và có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội Nhật Bản.

Chủ tịch nước nói rằng dẫu không cận kề về địa lý, nhưng sự tương đồng về văn hóa và những liên hệ lịch sử là chất keo tự nhiên gắn kết hai dân tộc, là nền tảng vững bền cho sự phát triển của quan hệ giữa hai đất nước.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng Việt Nam rất quan tâm theo dõi những cải cách quan trọng của Chính phủ Nhật Bản và vui mừng nhận thấy chính sách Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe đã mang lại những thành công, góp phần giúp Nhật Bản hồi phục mạnh mẽ sau tác động của động đất sóng thần.

Những quyết sách quan trọng này không chỉ thể hiện khả năng thích ứng và đổi mới vốn đã trở thành truyền thống đặc trưng rất đáng quý của đất nước và nhân dân Nhật Bản, mà còn khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Quốc hội và Chính phủ Nhật Bản.

Nhật Bản là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, vì vậy sự phục hồi của Nhật Bản gắn liền với sự thịnh vượng chung của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Việt Nam hết sức hoan nghênh và tiếp tục đặt niềm tin vào thành công của Nhật Bản. Thành công của Nhật Bản cũng là nguồn kinh nghiệm quý báu để Việt Nam tham khảo trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của mình.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, công cuộc đổi mới toàn diện trong gần 30 năm qua đã đưa Việt Nam từ một nước thu nhập rất thấp, trở thành một nền kinh tế đang phát triển năng động và là điểm đến đầy triển vọng của các nhà đầu tư.

Để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh,” Việt Nam đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, xây dựng Nhà nước pháp quyền, mở rộng dân chủ, tăng cường cải cách nền hành chính, cải cách tư pháp, đổi mới lập pháp, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, đi đôi với việc giữ vững ổn định chính trị-xã hội, ưu đãi khuyến khích đầu tư.

Trong năm 2013 vừa qua, mặc dù tiếp tục chịu tác động của những khó khăn kinh tế thế giới, song Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GDP 5,42%, đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô và đang có triển vọng tăng trưởng dần cao hơn trong những năm kế tiếp.

Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản đã không ngừng đổi mới và phát triển toàn diện trong suốt 40 năm qua. Việt Nam và Nhật Bản đã xác lập khuôn khổ “Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” năm 2009.

Thành quả của mối quan hệ đó không chỉ mang lại những lợi ích to lớn, thiết thực cho nhân dân hai nước, mà còn khẳng định một chân lý rằng, tinh thần khoan dung, đối thoại thay cho đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi là sự lựa chọn tốt nhất đối với các quốc gia, dân tộc.

Nhật Bản đã trở thành đối tác hàng đầu và quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Với những lợi thế so sánh quan trọng như vị trí địa-chiến lược thuận lợi, chính trị-xã hội ổn định, lực lượng lao động dồi dào với cơ cấu dân số “vàng” và giá nhân công hợp lý, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục là điểm đến quan trọng, lâu dài của các nhà đầu tư Nhật Bản. Nhiều thương hiệu nổi tiếng như Honda, Toyota, Sony, Hitachi và nhiều công ty Nhật Bản khác đã trở nên quen thuộc, gắn chặt với cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân Việt Nam.

Nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) quý báu của Nhật Bản đã được Việt Nam sử dụng rất hiệu quả. Nhiều công trình quan trọng, phục vụ thiết thực đời sống của người dân Việt Nam như hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện, nhà máy, các cảng biển và hàng không… đã trở thành biểu tượng đẹp của sự hợp tác, góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị của nhân dân hai nước.

Chủ tịch nước cảm ơn Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân Nhật Bản về tấm lòng và cử chỉ hào hiệp ngay cả trong những lúc Nhật Bản phải khắc phục hậu quả của động đất sóng thần, vẫn duy trì và gia tăng viện trợ ODA cho Việt Nam.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: Để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, Việt Nam mong đợi sự hợp tác hiệu quả và trợ giúp tích cực của Nhật Bản qua việc chia sẻ kinh nghiệm quản lý, tăng cường chuyển giao công nghệ, hỗ trợ ODA và lựa chọn Việt Nam như một điểm đến ưu tiên trong làn sóng đầu tư mới.

Đặc biệt là đối với các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghiệp phụ trợ, công nghệ sau thu hoạch đối với những sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để thu hút đầu tư mới của Nhật Bản.

Việc Nhật Bản là nước đầu tiên trong nhóm bảy nước công nghiệp hàng đầu (G-7) công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường là sự ghi nhận cụ thể kết quả rất đáng khích lệ của công cuộc đổi mới ở Việt Nam.

Chủ tịch nước bày tỏ hy vọng rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục đồng hành, giúp Việt Nam vững bước tiến lên, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Con số trên 600.000 lượt khách Nhật Bản đến Việt Nam và gần 80.000 lượt khách Việt Nam đến Nhật Bản hàng năm cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của giao lưu nhân dân, của hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, chứng tỏ bên cạnh quan hệ Nhà nước, giao lưu nhân dân và doanh nghiệp là nhân tố quan trọng tạo nên sức sống mạnh mẽ, nền tảng cho quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Hợp tác khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo là điểm sáng trong hợp tác song phương. Sự trợ giúp của Nhật Bản trong việc xây dựng khu công nghệ cao Hòa Lạc, phóng vệ tinh nghiên cứu khoa học… đã tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam tiến gần hơn nữa tới nền kinh tế tri thức.

Việt Nam luôn coi nâng cao chất lượng giáo dục là quốc sách hàng đầu và đánh giá cao sự hỗ trợ, hợp tác của Nhật Bản cho giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Các dự án chương trình hợp tác phát triển các trường đại học xuất sắc và nâng cấp một số trường đại học trọng điểm và trường dạy nghề của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế là bước đi cơ bản, chiến lược và còn rất nhiều tiềm năng và dư địa cho lĩnh vực hợp tác này.

Hợp tác chặt chẽ giữa Quốc hội - cơ quan lập pháp cao nhất hai nước trong nhiều năm qua góp phần củng cố và tạo dựng những nền tảng pháp lý quan trọng để quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đi đúng hướng và không ngừng phát triển.

Sự phát triển quan trọng trong quan hệ hai nước đều mang dấu ấn và được sự ủng hộ mạnh mẽ của Quốc hội hai nước, trong đó có đóng góp to lớn của nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản và Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt.

Bên cạnh thúc đẩy hợp tác song phương, hai nước Việt Nam và Nhật Bản còn hợp tác tích cực trên nhiều diễn đàn đa phương quan trọng như Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+),... Việt Nam ủng hộ Nhật Bản trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, có vai trò và vị thế xứng đáng trên trường quốc tế, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Việt Nam đánh giá cao những sáng kiến quan trọng của Nhật Bản nhằm thúc đẩy hợp tác chung duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, trong đó có sáng kiến về Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF).

Việc tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Nhật Bản-ASEAN có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ ASEAN xây dựng thành công Cộng đồng vào năm 2015 và phát huy vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực. Việt Nam sẽ làm hết sức mình để góp phần vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Nhật Bản cùng hướng tới một khu vực hòa bình, ổn định và phồn vinh.

Trong một thế giới không ngừng vận động, cả Việt Nam và Nhật Bản đã và đang không ngừng đổi mới về đối nội và đối ngoại để thích ứng với môi trường chiến lược mới.

Sự tin cậy về chính trị, sự tương đồng và gắn kết về văn hóa giữa hai dân tộc cũng như những thành quả đầy ấn tượng của hợp tác bền bỉ trong suốt 40 năm qua là nền tảng vững chắc và động lực mạnh mẽ để đưa quan hệ song phương tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới, hướng tới tương lai tốt đẹp của mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng.

Mối quan hệ giữa hai nước ngày càng được củng cố, phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu sẽ không chỉ phục vụ lợi ích của nhân dân hai nước, mà còn là đóng góp quan trọng vào việc bảo đảm hòa bình, ổn định, hợp tác và phồn vinh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục