Chủ tịch nước dự Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dự Chương trình Giao lưu nghệ thuật Nghĩa tình Trường Sơn, tổ chức tối 10/11, tại Nhà hát Bến Thành.
Chủ tịch nước dự Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn ảnh 1Một tiết mục văn nghệ tại Chương trình Giao lưu nghệ thuật Nghĩa tình Trường Sơn. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Tối 10/11, tại Nhà hát Bến Thành, Báo Sài Gòn giải phóng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tổ chức Chương trình Giao lưu nghệ thuật Nghĩa tình Trường Sơn.

Đến dự có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải cùng lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh có đường Trường Sơn đi qua.

Đây là chương trình nghệ thuật nhằm tổng kết 4 năm thực hiện Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn do Báo Sài Gòn Giải phóng và các đơn vị liên quan phát động, triển khai.

Ông Nguyễn Tấn Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn giải phóng, Trưởng ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, cho biết sau hơn 4 năm phát động và triển khai chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, Ban tổ chức đã vận động được gần 140 tỷ đồng, tiến hành xây dựng và bàn giao hơn 1.350 nhà tình nghĩa tại 44 tỉnh, thành, với trị giá gần 50 tỷ đồng; xây dựng và khánh thành 2/4 đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn tại các trọng điểm Bến Phà Long Đại (Quảng Bình), Bến Tắt (Quảng Trị).

Ban tổ chức cũng đang chuẩn bị khởi công đền tưởng niệm liệt sỹ tại cửa khẩu Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum); xây dựng và trang thiết bị cho 17 trạm xá với trị giá 20,5 tỷ đồng. Xây dựng mới Bản Văn hóa Di tích lịch sử Làng Ho - di tích lịch sử, căn cứ đầu tiên của bộ đội Trường Sơn Đoàn 559 - trở thành Làng văn hóa dân tộc Vân Kiều kiểu mẫu trị giá hơn 3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng đã trao tặng hơn 2.000 suất học bổng; xây dựng và trao tặng thiết bị cho 2 trường học tại Nghệ An và Điện Biên; xây dựng một điểm trường Mầm non Hoa Pơ Lang tại tỉnh Đắk Lắk, trường Tiểu học tại thác Bản Giốc (tỉnh Cao Bằng); xây bia tưởng niệm liệt sỹ tại Quảng Bình và tỉnh Khăm Muộn (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào)...

Theo ông Nguyễn Tấn Phong, ngoài ý nghĩa của một chương trình xã hội từ thiện, chương trình có ý nghĩa sâu xa hơn là góp nhần nhắc nhở mọi người, nhất là thế hệ trẻ “Không được lãng quên Trường Sơn.”

Chương trình đã xây dựng các đền đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ Trường Sơn tại những trọng điểm ác liệt năm xưa, nơi có rất nhiều đã ngã xuống với mục đích tạo ra những điểm giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.

Qua các hoạt động của mình, Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn đã góp phần chia sẻ trách nhiệm với Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho các gia đình thương binh liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, phục dựng các di tích lịch sử cũng như xây dựng các đền đài tưởng niệm anh hùng liệt sỹ đã quên mình vì nước trên đại ngàn Trường Sơn.

Nhân dịp này, nhằm ghi nhận những thành tích của những người thực hiện Chương trình đã đạt được, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng Huân chương Lao động hạng 3 cho tập thể lãnh đạo Báo Sài Gòn giải phóng và hai cá nhân là các ông Trần Thế Tuyển, nguyên Tổng Biên tập Báo Sài Gòn giải phóng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn; ông Nguyễn Đức Quang, Phó ban Thường trực Ban tổ chức Chương trình.

Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định tặng Bằng khen cho 3 tập thể và 2 cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn. Nhiều tập thể, cá nhân đã được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tặng Bằng khen và Kỷ niệm chương của chương trình.

Trong khuôn khổ Chương trình Giao lưu nghệ thuật Nghĩa tình Trường Sơn, các đại biểu đã thưởng thức những tiết mục văn nghệ, ca khúc đặc sắc ca ngợi hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ, ca ngợi quê hương đất nước Việt Nam; đặc biệt là các ca khúc viết về Trường Sơn anh hùng như các bài hát "Noi gương người anh cả toàn quân," "Nghĩa tình Trường Sơn," "Cô gái mở đường," "Trường Sơn con đường xuyên thế kỷ," "Ca ngợi tổ quốc," "Trinh nữ Trường Sơn," "Thăm bến phà xưa," "Linh thiêng Việt Nam."

Các đại biểu cũng đã lắng nghe những lời chia sẻ của những người nặng lòng với Trường Sơn, gắn bó với chương trình nghĩa tình Trường Sơn từ những ngày đầu cũng như những nhà tài trợ, mạnh thường quân đã nhiệt tình hưởng ứng, ủng hộ chương trình trong suốt 4 năm qua./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Những năm tháng chiến tranh trước, sau ngày Giải phóng Thủ đô để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có âm nhạc; nhiều tác phẩm trở thành bất hủ, thậm chí thành biểu tượng của Hà Nội.