Chiều 11/10, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp mặt thân mật đại diện 70 tập thể và 32 cá nhân điển hình “Dân vận khéo” toàn quân giai đoạn 2011-2015, nhân kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930-15/10/2015).
Gửi tới toàn thể cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên, người lao động trong toàn quân những tình cảm thân thiết nhất, Chủ tịch nước nêu rõ công tác dân vận trong Quân đội nhân dân Việt Nam là cầu nối giữa nhân dân với Đảng và xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa Quân đội với nhân dân.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: Sinh thời, Bác Hồ đã căn dặn “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công.” Những thành quả trong công tác dân vận toàn quân 5 năm qua chính là bắt nguồn từ sự chỉ bảo của Bác Hồ, quán triệt sâu sắc quan điểm của Bác.
Chủ tịch nước biểu dương các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của các tổ chức trong hệ thống chính trị; xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh; tham gia phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng-an ninh trên các địa bàn chiến lược trọng điểm, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.
Nơi nào dân cần thì quân đội có. Công tác dân vận của quân đội đã được triển khai toàn diện, đồng bộ cả bề rộng và chiều sâu, giúp dân xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống, nâng cao dân trí, thực hiện tốt công tác bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên cương, hải đảo, tạo hiệu ứng to lớn và có sức lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội, làm cho nhân dân ngày càng tin tưởng vào quân đội, vào Đảng, Nhà nước. Bác Hồ từng nói, ngoài việc trang bị vũ khí, quốc phòng thì việc quan trọng nhất là củng cố thế trận lòng dân, quân đội đã làm tốt nhiệm vụ này - Chủ tịch nước nêu rõ.
Ghi nhận những đóng góp của các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong toàn quân những năm qua, Chủ tịch nước nêu rõ, trong thời gian tới, bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp.
Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ, cũng đan xen nhiều thách thức. Trước tình hình đó, các cán bộ, chiến sỹ cần ghi nhớ lời dạy của Bác về công tác dân vận, xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ, từ nhân dân mà ra, vì dân mà chiến đấu, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thậm chí có thể hy sinh vì nhân dân.
Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng việc phát huy tốt các kết quả dân vận 5 năm qua; đồng thời đề nghị tại Lễ tuyên dương điển hình “Dân vận khéo” toàn quân giai đoạn 2011-2015, Bộ Quốc phòng cần tổng kết các bài học để nhân rộng ra toàn quân học tập. Các bài học cần đi xuống tới từng trung đội, đại đội, phong trào thi đua dân vận khéo phải ngày càng sôi động, mạnh mẽ hơn.
Theo báo cáo của Thiếu tướng Ngô Văn Bích, Cục trưởng Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, 5 năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong toàn quân đã góp phần tuyên truyền tới cán bộ, chiến sỹ và nhân dân thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trở thành phong trào cách mạng to lớn với nhiều nội dung, hình thức hoạt động sáng tạo phong phú, hiệu quả, tham gia phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Các đơn vị phối hợp với các địa phương nắm chắc tình hình, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ Tổ quốc; kiên trì vận động nhân dân cảnh giác, đấu tranh với các âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị.
Cán bộ, chiến sỹ luôn phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ-Bộ đội của dân. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần xây dựng cơ sở địa phương vững mạnh toàn diện. Nhiều cơ sở yếu kém đã vươn lên. Hơn 300 cán bộ tăng cường các xã biên giới của Bộ đội Biên phòng ngày đêm bám địa bàn, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở, trong đó 295 xã yếu kém đã có chuyển biến tốt.
Bộ đội Biên phòng, các Binh đoàn, cơ sở kinh tế quốc phòng đã tham gia hàng trăm chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, giúp nhân dân định canh, định cư kết hợp quân dân y, xóa mù chữ, xây dựng các điểm sáng văn hóa vùng cao biên giới, hải đảo, giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống.
Nhiều chương trình như “Gắn kết hộ” đồng bào người Kinh với đồng bào dân tộc thiểu số; "Bò giống cho người nghèo nơi biên giới,” "Mái ấm cho đồng bào nghèo nơi biên giới, hải đảo,” “7.000 ngôi nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách vùng căn cứ kháng chiến," "Tết quân dân,” “Hũ gạo gắn kết,” "Quỹ hiếm muộn”... đã gắn kết hơn 4.600 hộ gia đình người Kinh với hộ đồng bào các dân tộc thiểu số, giải quyết việc làm tại chỗ cho 6.000 người, góp phần ổn định địa bàn chiến lược trên vùng đất Tây Nguyên; thực hiện “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc), xây dựng biên giới an toàn hữu nghị./.