Tối 10/8, chuyên cơ chở Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân Trần Nguyệt Thu và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam về tới Sân bay Quốc tế Nội bài, kết thúc tốt đẹp chương trình chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith.
Đây là chuyến thăm song phương nước ngoài chính thức đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam sau Đại hội Đảng XIII; đồng thời là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Chủ tịch nước.
Trong hai ngày từ 9-10/8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có hơn 10 hoạt động hội đàm, hội kiến, tiếp xúc cấp cao. Các thành viên trong Đoàn cũng đã có 15 hoạt động tiếp xúc, trao đổi với các ban, bộ, ngành, địa phương của Lào. Trong chuyến thăm, đã có 14 văn kiện hợp tác được ký kết, trao đổi giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp và địa phương hai nước.
Chuyến thăm đã đạt được những kết quả có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo dấu mốc mới trong việc vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ sau Đại hội Đảng XI, Lào đón một nguyên thủ quốc gia nước ngoài tới thăm. Chuyến thăm diễn ra chỉ sáu tuần sau chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith.
Lễ đón chính thức Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã diễn ra trọng thể theo nghi thức cao nhất tại Phủ Chủ tịch ở thủ đô Viêng Chăn dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đã chủ trì cuộc hội đàm giữa hai đoàn đại biểu cấp cao hai nước. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh cần tiếp tục đưa quan hệ chính trị đi vào chiều sâu, đồng thời nhất trí lấy năm 2022 là “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022” để kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Việt Nam và Lào.
Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo dành nhiều thời gian trao đổi các biện pháp hỗ trợ nhau giải quyết các khó khăn do dịch COVID-19 gây ra đối với mỗi nước và đối với quan hệ hợp tác Việt Nam-Lào; đồng thời nhất trí cùng thúc đẩy quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, đến giáo dục, kinh tế, thương mại, đầu tư, năng lượng, văn hoá, khoa học kỹ thuật… để cùng nhau vượt qua các thách thức, tận dụng tốt các cơ hội do cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí cần tiếp tục thực hiện tốt các thỏa thuận Cấp cao và các kết quả đạt được tại Kỳ họp lần thứ 43 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào; triển khai hiệu quả Hiệp định về hợp tác song phương Việt Nam-Lào giai đoạn 2021-2025, Thỏa thuận chiến lược hợp tác Việt Nam-Lào giai đoạn 2021-2030, cũng như các kết quả đạt được trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam vừa qua của đồng chí Thongloun Sisoulith và chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); cùng các bên liên quan thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp của tế.
Sau hội đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith đã chứng kiến lễ ký kết và trao 14 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, phòng chống ma túy, tìm kiếm cứu nạn, mua bán điện, thăm dò khai thác và chế biến khoáng sản…
Trong thời gian ở thăm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Lào Phankham Viphavanh; đến thăm đồng chí Khamtai Siphandone, nguyên Chủ tịch Đảng, nguyên Chủ tịch nước; gặp đồng chí Choummaly Sayasone, nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước và đồng chí Bounnhang Vorachith, nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước Lào.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Chủ tịch Quốc hội Lào Sayomphone Phomvihane; tiếp kiến Phó Chủ tịch nước Lào Pany Yathotu và Phó Chủ tịch nước Lào Bounthong Chithmany.
Cũng tại thủ đô Vientiane, Chủ tịch nước đã tiếp các đồng chí Sinlavong Khutphaythoun Chủ tịch Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước; Khambay Damlath, Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Lào-Việt Nam.
Tại các cuộc hội kiến, tiếp xúc, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm hữu nghị chính thức Lào; nhấn mạnh việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chọn Lào là nước đầu tiên đi thăm trên cương vị mới thể hiện sự coi trọng đặc biệt của Đảng, Nhà nước Việt Nam và cá nhân đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đối với việc gìn giữ, bảo vệ và không ngừng vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào; khẳng định ý nghĩa hết sức quan trọng của chuyến thăm; đồng thời bày tỏ cảm ơn sâu sắc Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã luôn dành sự giúp đỡ vô cùng to lớn, quý báu và kịp thời cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ngày nay.
Đặc biệt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và có bài phát biểu quan trọng tại Kỳ họp Quốc hội Lào khóa IX. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên phát biểu tại Nhà Quốc hội mới của Lào, đúng 10 năm sau bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội khóa XI nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VII của Lào năm 2011. Đây là vinh dự đặc biệt mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân Lào dành cho Lãnh đạo Việt Nam, thể hiện sinh động tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt hiếm có giữa hai dân tộc Việt-Lào.
Trong phát biểu, Chủ tịch nước đã điểm lại những trang sử vẻ vang của quan hệ hai nước trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay; nhấn mạnh hai thông điệp quan trọng là hai nước Việt - Lào cùng đoàn kết, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội trên cơ sở nền tảng của chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng có nhiều điểm tương đồng của hai vị lãnh tụ vĩ đại là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kayson Phomvihan; đồng thời nỗ lực giải phóng các nguồn lực cho hợp tác song phương, tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế, tăng cường kết nối hai nền kinh tế, tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác mới để tận dụng cơ hội và đáp ứng các yêu cầu của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc nhất đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân các dân tộc Lào anh em về tình đoàn kết, sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn, chí nghĩa, chí tình dành cho Việt Nam từ trước đến nay.
Chủ tịch nước khẳng định: “Chúng tôi nguyện cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào làm hết sức mình để giữ gìn, bảo vệ, không ngừng vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai dân tộc chúng ta và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau, coi đây là nhiệm vụ chiến lược, là quy luật phát triển tất yếu, nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước."
[Quan hệ giữa hai Quốc hội Việt Nam-Lào phát triển ngày càng tốt đẹp]
Đáng chú ý, một trong những sự kiện đặc biệt trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Chủ tịch Quốc hội Lào Sayomphone Phomvihane đã dự và chủ trì Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước nhấn mạnh đây là món quà của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào anh em, được đồng chí Thongloun Sisoulith đánh giá có bốn cái nhất "hiện đại nhất, hài hoà bản sắc dân tộc nhất, vững chắc nhất, có giá trị đầu tư lớn nhất."
Chủ tịch nước cũng biểu dương sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan của hai nước; mong công trình được sử dụng hết công năng, vận hành, bảo trì đảm bảo an toàn, chất lượng, xứng đáng là biểu tượng mới, trường tồn cho quan hệ đặc biệt “có một không hai” giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và hạng Nhì cho một số đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Quốc hội Lào có nhiều đóng góp vào việc chỉ đạo triển khai thành công dự án xây dựng Nhà Quốc hội Lào; chứng kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith trao Huân chương Tự do hạng Nhất của Lào cho Bộ Xây dựng Việt Nam, Huân chương Tự do hạng Nhì của Lào cho Ban quản lý dự án thuộc Bộ Xây dựng và Binh đoàn 11 thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Cũng tại thủ đô Vientiane, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam đã tới đặt vòng hoa tại Đại Tưởng niệm Liệt sỹ vô danh và đến thăm, nói chuyện với cán bộ Đại sứ quán và đại diện cộng đồng, doanh nghiệp Việt Nam tại Lào. Phu nhân Chủ tịch nước Trần Nguyệt Thu cũng đã có cuộc tiếp thân mật và tặng quà thày và trò Trường song ngữ Việt-Lào Nguyễn Du.
Trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, các thành viên trong Đoàn Cấp cao Đảng, Nhà nước đã có nhiều hoạt động gặp gỡ tiếp xúc trao đổi với Lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành, địa phương hai nước.
Thành công hết sức tốt đẹp từ chuyến thăm mang tính dấu mốc này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc không chỉ góp phần quan trọng vào việc giữ gìn truyền thống tốt đẹp và sự sinh động của quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam, mà còn mở ra giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai dân tộc; qua đó, tiếp tục tăng cường quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước ngày càng đơm hoa kết trái và mãi mãi trường tồn./.