Nhân dịp Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, chiều 25/8, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi gặp mặt và nói chuyện với các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về dự hội nghị.
Cùng dự buổi gặp mặt có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung.
Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 được tổ chức từ ngày 22-26/8, tập trung thảo luận nhiệm vụ triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; đánh giá những diễn biến mới, đặc điểm của cục diện thế giới hiện nay, nhất là những vấn đề tác động đến sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.
Trên cơ sở đó, hội nghị đề ra các biện pháp cụ thể để triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; thông qua nghị quyết, chương trình hành động cụ thể trên các lĩnh vực ngoại giao chính trị, kinh tế, văn hóa phục vụ nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.
Tại buổi gặp mặt, một số Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phát biểu ý kiến, bày tỏ quyết tâm phấn đấu hoàn thành trọng trách, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, qua đó góp phần thể hiện vị thế của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trao đổi với các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về những thành tựu của đất nước trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh..., trong hội nhập quốc tế, quan hệ với các đối tác quan trọng, xây dựng khung khổ quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chủ tịch nước khẳng định trong những thành tựu chung trên mặt trận đối ngoại, có sự đóng góp xứng đáng của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, mà trực tiếp là Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Ngoại giao; làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời tham mưu các chủ trương, phương sách ứng xử phù hợp trong việc thiết lập và nâng tầm quan hệ với các nước; triển khai, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và tích cực vận động chính giới, bạn bè quốc tế ủng hộ công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.
Các cơ quan đại diện cũng đã phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan để triển khai có hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh...; làm tốt công tác tuyên truyền đối ngoại và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế; chú trọng công tác bảo hộ công dân, vận động người Việt Nam ở nước ngoài hướng về cội nguồn dân tộc, quê hương, đất nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc đã đúc kết nhiều bài học vô cùng quý báu về ngoại giao. Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã viết trong “Binh thư yếu lược”: “Hòa mục là đạo rất hay trong việc trị nước hành binh. Hòa ở trong nước thì ít dùng binh, hòa ở ngoài biên thì không sợ báo động;” Phan Huy Chú đã đúc kết “Trong việc trị nước, hòa hiếu ở láng giềng là việc lớn”...
Đó là những bài học của cha ông cần được nghiên cứu, vận dụng trong bối cảnh mới, nhất là những bài học về kiên trì đấu tranh giành độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; giương cao ngọn cờ hòa hiếu và hòa bình; kết hợp giữa tiến công quân sự và hòa đàm thương lượng; kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là người sáng lập nền ngoại giao Việt Nam trong thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại luôn mang tính thời sự, giữ nguyên giá trị trong bối cảnh thế giới ngày nay có nhiều cơ hội hợp tác, phát triển, nhưng đầy biến động phức tạp, khó lường.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định rõ đường lối, chính sách, phương châm, nguyên tắc và nhiệm vụ công tác đối ngoại với tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế.
Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 đã quán triệt đầy đủ các vấn đề cơ bản về nhiệm vụ đối ngoại theo tình thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; đã có nhiều phiên thảo luận về nhiều chủ đề nhằm nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế...
Trên tinh thần này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chú trọng tiếp tục đổi mới tư duy ngoại giao theo hướng chuyển mạnh trọng tâm và ưu tiên phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, phục vụ tốt nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đi cùng với đó là việc tăng cường công tác nghiên cứu cơ bản và dự báo chiến lược, kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách đối ngoại phù hợp trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế có nhiều biến động phức tạp, khó lường; chủ động làm tốt vai trò “cầu nối”, tích cực góp phần củng cố, phát triển các mối quan hệ hợp tác, hữu nghị với các nước đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực; tăng cường vận động, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân thế giới đoàn kết thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị với Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nhấn mạnh các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, địa phương trong việc xúc tiến, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, khoa học-công nghệ, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác tiềm năng để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; vận động viện trợ và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để phục vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; tham mưu lựa chọn đối tác có năng lực tài chính tốt, công nghệ cao, có ý thức bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tập trung đẩy mạnh ngoại giao văn hóa, và thông tin đối ngoại để tăng cường phổ biến, quảng bá về lịch sử, văn hóa, hình ảnh đất nước, con người, các giá trị, bản sắc dân tộc; đẩy mạnh hợp tác về giáo dục, đào tạo, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân; làm tốt công tác đối ngoại nhân dân, tích cực vận động và có chính sách thu hút người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn bản sắc dân tộc, hướng về Tổ quốc, xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quan tâm công tác xây dựng và bảo vệ cơ quan đại diện; chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng; chăm lo công tác xây dựng Đảng, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (Khóa XII).
Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ tin tưởng và mong muốn, ngành ngoại giao nói chung, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nói riêng sẽ kế thừa, phát huy những bài học kinh nghiệm, truyền thống ngoại giao của cha ông; đẩy mạnh học tập, phát huy tư tưởng, phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; nỗ lực phấn đấu, vượt lên khó khăn, thách thức, giành được nhiều kết quả, thành tích hơn nữa trên mặt trận đối ngoại, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin yêu và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Chiều cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Bộ Ngoại giao phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Lễ trao quyết định phong hàm Đại sứ bậc Một cho 5 cán bộ ngành ngoại giao.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trao quyết định phong hàm Đại sứ bậc Một cho các đồng chí: Vũ Việt Anh, Nguyễn Thanh Tân, Vũ Đăng Dũng, Cao Trần Quốc Hải, Trần Xuân Thủy./.