Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Italy Sergio Mattarella, Giáo hoàng Francis, Tổng thống Madagascar Hery Rajaonarimampianina và Phu nhân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Italy từ ngày 21-24/11, thăm Tòa thánh Vatican ngày 23/11 và tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16 tại Madagascar từ ngày 26-27/11.
Thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Italy
Việt Nam và Italy chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/3/1973. Italy là nước Tây Âu đầu tiên tích cực ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, trên các diễn đàn quốc tế lớn cũng như việc bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và các tổ chức tài chính, thương mại, tiền tệ quốc tế đầu những năm 90.
Trong các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao Italy khẳng định quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, coi Việt Nam là nước ưu tiên phát triển quan hệ ở khu vực Đông Nam Á và là điểm đến của các doanh nghiệp Italy từ nay cho đến 2020.
Những năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều; năm 2015 đạt 4,3 tỷ USD. Italy đứng thứ 31/112 quốc gia và lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 77 dự án đầu tư với tổng số vốn là 360 triệu USD chủ yếu trong các ngành (công nghiệp chế biến, chế tạo, giày da, xây dựng, thiết bị vệ sinh, bình nóng lạnh, chế biến thép).
Chính phủ Italy đưa Việt Nam vào danh sách 10 thị trường mới nổi ưu tiên phát triển quan hệ thương mại và đầu tư. Hai bên đã thành lập Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế.
Trong hợp tác phát triển, Italy bắt đầu cung cấp ODA cho Việt Nam vào những năm 1990 trong các lĩnh vực hợp tác ưu tiên giữa Italy và Việt Nam gồm cấp thoát nước, bảo vệ môi trường, phát triển nguồn nhân lực, y tế, hỗ trợ thể chế...
Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Phát triển Việt Nam-Italy khởi động lại họp tại Roma tháng 12/2009 đã thông qua một số dự án trong các lĩnh vực ưu tiên (y tế, bảo vệ môi trường và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ).
Tháng 3/2014, Italy thông báo dừng cam kết viện trợ phát triển cho Việt Nam cho từng giai đoạn như trước đây và chuyển sang chương trình hỗ trợ cụ thể, tùy thời điểm và điều kiện tài chính, cho các lĩnh vực dạy nghề, quản lý nguồn nước, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tài trợ 3,8 triệu USD cho dự án “Hỗ trợ tạo việc làm và hòa nhập xã hội tại các trường dạy nghề Việt Nam.”
Hàng năm, Bộ Ngoại giao Italy dành cho Việt Nam một số học bổng cho các khoá học tiếng Italy và cao học, mở các khoá học tiếng Italy tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Chính phủ Italy phối hợp với UNESCO giúp đỡ Việt Nam trùng tu Khu di tích Mỹ Sơn với tổng kinh phí hơn 1,3 triệu USD. Hai bên cũng thường xuyên tổ chức các tuần lễ, tháng văn hoá tại Italy và Việt Nam.
Hiện có khoảng gần 5 nghìn người Việt Nam cư trú ổn định tại Italy, trong đó có khoảng 200 người là tu sỹ, giáo dân làm việc cho các cơ quan giáo hội Vatican. Cộng đồng người Việt tại Italy cư trú phần lớn tại các tỉnh phía Bắc Italy là nơi có ngành công nghiệp phát triển, có nhiều cơ hội việc làm.
Quan hệ Việt Nam-Vatican phát triển theo hướng tích cực
Tháng 7/1989, Tòa thánh Vatican cử Hồng y Roger Etchegaray (Chủ tịch Hội đồng Đồng tâm và Ủy ban Công lý và Hòa bình của Tòa thánh) thực hiện chuyến thăm mục vụ đầu tiên tại Việt Nam kể từ sau 1975.
Tháng 11/1990, Hồng y Roger Etchegaray lại thăm Việt Nam, chính thức đánh dấu việc nối lại các tiếp xúc giữa hai bên.
Kể từ đó, liên tục hàng năm, Tòa thánh đều cử đoàn Thứ trưởng Ngoại giao thăm Việt Nam, trao đổi với Ban Tôn giáo Chính phủ và giải quyết các vấn đề mục vụ của Giáo hội. Cấp tiếp xúc giữa hai bên cũng tăng dần.
Tháng 1/2007, nhân chuyến thăm Italy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Giáo hoàng Benedict XVI và Quốc vụ khanh Béctônê. Phía Vatican cho rằng “Việt Nam là một hình mẫu về chính sách tôn giáo gắn với sự phát triển của cộng đồng” và đề nghị hai bên xem xét thiết lập quan hệ ngoại giao.
Tháng 11/2008, hai bên nhất trí thành lập Nhóm Công tác hỗn hợp về quan hệ Việt Nam-Vatican, họp thường niên và luân phiên ở Việt Nam và Vatican. Từ 16-17/02/2009, Cuộc họp Vòng I Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican đã diễn ra tại Hà Nội để trao đổi sâu rộng và tổng thể về các vấn đề trong quan hệ kể cả các vấn đề liên quan đến Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Ngày 23-25/6/2010, Cuộc họp Vòng II Nhóm Công tác hỗn hợp tại Vatican nhất trí, bước đầu Giáo hoàng sẽ cử một Đặc phái viên không thường trú của Vatican được định kỳ vào Việt Nam để trao đổi về các vấn đề mục vụ và các vấn đề liên quan.
Ngày 13/1/2011, Tòa thánh công bố Giáo hoàng Benedict XVI quyết định bổ nhiệm Tổng giám mục Leopoldo Girelli làm Đặc phái viên không thường trú của Vatican tại Việt Nam. Đến nay, Đặc phái viên đã thực hiện 84 chuyến thăm Việt Nam (chuyến gần nhất từ ngày 9/11 đến 18/11/2016).
Ngày 27-28/2/2012 tại Hà Nội, hai bên tổ chức Cuộc họp Vòng III Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican.
Ngày 11-18/6/2013, hai bên tổ chức Cuộc họp Vòng IV Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican tại Vatican. Ngày 7-10/9/2014, hai bên tổ chức Cuộc họp Vòng V Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican tại Hà Nội thảo luận các vấn đề liên quan.
Ngày 24-26/10/2016, hai bên tổ chức Cuộc họp Vòng VI Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican tại Vatican.
Tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ
Quan hệ giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ ngày càng được cải thiện và phát triển. Trong hơn 30 năm qua, đặc biệt trong thời kỳ bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã tranh thủ được nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ quý báu của Cộng đồng Pháp ngữ về nguồn vốn, chất xám và kỹ thuật.
Đồng thời, Cộng đồng Pháp ngữ là diễn đàn để Việt Nam triển khai chính sách đối ngoại, là kênh để tranh thủ tăng cường quan hệ song phương với một số thành viên phát triển.
Với việc tổ chức thành công Hội nghị cấp cao lần thứ 7 vào năm 1997 tại Hà Nội, Việt Nam đã có đóng góp quan trọng vào việc thể chế hóa hoạt động chính trị, đề cao hợp tác kinh tế bên cạnh các lĩnh vực chính trị, văn hóa-ngôn ngữ và giáo dục-đào tạo.
Hiện nay, do tham gia đầy đủ và thực chất trên hầu hết các vấn đề ưu tiên của Cộng đồng, từ hoạch định chiến lược hợp tác, thúc đẩy cải cách hành chính, tài chính cho đến điều chỉnh nguồn lực cho các lĩnh vực giáo dục và phát triển, nên Việt Nam được coi thuộc nhóm đang phát triển nòng cốt, có tiếng nói đối với việc hoạch định và triển khai chiến lược hợp tác của Cộng đồng Pháp ngữ.
Việt Nam nhiều lần được Cộng đồng Pháp ngữ tín nhiệm bầu vào các cương vị quan trọng như Chủ tịch Hội đồng thường trực Pháp ngữ năm 1996; Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ nhiệm kỳ 1996-1997; Chủ tịch Hội nghị cấp cao nhiệm kỳ 1997-1998; Phó Chủ tịch Liên minh Nghị viện Pháp ngữ ba nhiệm kỳ (2007-2009 và 2009-2011, 2013-2015); Phó Chủ tịch Ban Tài chính và Hành chính thuộc Hội đồng thường trực Pháp ngữ hai nhiệm kỳ (2009-2011 và 2011-2013); Chủ tịch Ủy ban Hợp tác và Chương trình của Hội đồng thường trực Pháp ngữ (2013-2015) và là thành viên Hội đồng quản trị của Cơ quan đại học Pháp ngữ (2013-2017); Chủ tịch Vùng châu Á-Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2015-2017...
Những năm gần đây , Tổ chức pháp ngữ quốc tế và các cơ quan thực thi đã phối hợp với một số nước thành viên Pháp ngữ thực hiện nhiều dự án tại Việt Nam, trong đó các dự án chính là: Đào tạo tăng cường nghiệp vụ cho giáo viên giảng dạy tiếng Pháp; Tăng cường tiếng Pháp ở khu vực Đông Nam Á ; Thành lập Nhà Tri thức Pháp ngữ tại Huế; Đào tạo tiếng Pháp cho cán bộ ngoại giao và công chức Việt Nam từ 5/2013; Thành lập Trung tâm nghiên cứu và hợp tác Pháp ngữ tại châu Á-Thái Bình Dương; Tổ chức Diễn đàn khu vực về hợp tác kinh tế Pháp ngữ tháng 4/2014…/.