Nhân kỷ niệm 84 năm thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, hướng tới 10 năm thành lập Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, ngày 24/11, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp 40 nghệ nhân đại diện cho các làng nghề Việt Nam.
Trong thành phần đoàn đại biểu dự buổi gặp mặt có nhiều nghệ nhân nổi tiếng, có nhiều công lao phát triển nghề thủ công mỹ nghệ, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Tiêu biểu là các ông: Lê Văn Kinh, nghệ nhân thêu tay; Nguyễn Đăng Chế, người phục chế tranh Đông Hồ; Đào Đức Cơ, người nắm giữ bí quyết làm nên sản phẩm hương thơm; Nguyễn Văn Trung nghệ nhân mây tre; Nguyễn Gia In, nghệ nhân làng nghề đóng tàu làng nghề Trung Kiên (Nghệ An), nơi đóng nhiều con tàu cho Đoàn tàu không số trong kháng chiến; Trần Độ, nghệ nhân gốm, tác giả tác phẩm tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông; bà Tôn Nữ Thị Hà, nghệ nhân ẩm thực cung đình Huế...
Tại buổi gặp mặt, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã báo cáo Chủ tịch nước về kết quả hoạt động của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam. Từ ngày thành lập (3/2005) đến nay, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam với đội ngũ nghệ nhân trong các làng nghề trong cả nước đã tích cực tham gia các hoạt động bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống, tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Hiệp hội cũng đã được Bộ Kế hoạch đầu tư giao cho thực hiện hàng trăm lớp đào tạo khởi sự doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp tại các làng nghề, giúp cho các doanh nghiệp làng nghề hoạt động hiệu quả thiết thực. Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã tổ chức vinh danh các danh hiệu cho 40 làng nghề truyền thống tiêu biểu Việt Nam; 76 đơn vị kinh tế làng nghề tiêu biểu, 79 sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh hoa; tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, hỗ trợ hội viên xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Lắng nghe kiến nghị của các nghệ nhân, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định làng nghề là nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa dân gian được bồi đắp theo bề dày lịch sử, sản sinh và lưu giữ những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống có hàm lượng văn hóa tinh thần đặc sắc của dân tộc.
Không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế, hoạt động của làng nghề còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạo việc làm cho hàng triệu lao động nông thôn, nâng cao đời sống người dân các làng nghề. Các sản phẩm làng nghề Việt Nam được xuất khẩu đã góp phần làm rạng rỡ nền văn hóa Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Việc bảo tồn và phát triển làng nghề có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong công cuộc phát triển đất nước và hội nhập khu vực và quốc tế.
Ghi nhận những hoạt động của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Chủ tịch nước đề nghị Hiệp hội tiếp tục tập hợp sức mạnh đoàn kết, tinh thần sáng tạo của các hội viên, nghệ nhân, đề xuất với Đảng, Nhà nước những giải pháp bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống.
Chủ tịch mong muốn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cùng các nghệ nhân tích cực thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; phối hợp với các cơ quan, địa phương tổ chức đào tạo nghề, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh các hoạt động thiết kế mẫu mã, giá trị sử dụng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Chủ tịch nêu rõ, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cần đóng vai trò tích cực trong việc chia sẻ kinh nghiệm, tập hợp giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn cho các hội viên, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển làng nghề gắn với du lịch; chú trọng nâng cao chất lượng thương phẩm hàng thủ công Việt Nam trên thương trường quốc tế; tôn vinh đóng góp của các nghệ nhân, làng nghề trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước./.