Ngày 1/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Tổ đại biểu Quốc hội khóa XIV, Đơn vị 1 - Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi tiếp xúc cử tri tại quận 1, quận 3 nhằm báo cáo kết quả Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIV, ghi nhận những vấn đề cử tri quan tâm.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội Ngô Tuấn Nghĩa, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Quân sự Thành phố, thay mặt Tổ đại biểu Quốc hội khóa XIV, Đơn vị 1 - Thành phố Hồ Chí Minh đã báo cáo với cử tri về kết quả bầu cử Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021, kết quả xác nhận tư cách đại biểu; công tác nhân sự; kết quả phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước; chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh, hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017.
Các ý kiến của cử tri bày tỏ hoan nghênh Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành công tác củng cố nhân sự; mong muốn các đại biểu Quốc hội thực hiện tốt chương trình hành động đã được nêu tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử.
Cử tri cũng đưa ra nhiều kiến nghị về các vấn đề nợ công, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường nước, vụ việc cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung, hành lang pháp lý bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo trước những diễn biến phức tạp gần đây... Nhiều cử tri đề nghị Quốc hội xem xét tăng số lượng đại biểu chuyên trách, bảo đảm độc lập trong công tác lập pháp, thay đổi phương thức tiếp xúc cử tri để cử tri được tiếp xúc nhiều hơn với đại biểu Quốc hội trong các hội nghị tiếp xúc cử tri.
Thay mặt Tổ đại biểu Quốc hội khóa XIV, Đơn vị 1 - Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trân trọng cảm ơn cử tri đã dành sự tín nhiệm cao đối với các đại biểu Quốc hội; khẳng định cam kết triển khai tốt chương trình hành động đã được nêu tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử. Chủ tịch nước cho biết sẽ nghiên cứu việc thay đổi phương pháp tiếp xúc cử tri, qua đó tạo sự liên hệ gần gũi, thường xuyên hơn giữa đại biểu Quốc hội với cử tri.
Ghi nhận các ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh nợ công là vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm, là vấn đề hệ trọng đối với sự phát triển bền vững của quốc gia. Theo báo cáo của Chính phủ, nợ công của nước ta đến cuối năm 2015 chiếm 62,2% GDP, đang gây áp lực lớn về nghĩa vụ chi trả nợ. Dự báo, chi trả nợ trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng cao hơn (năm 2015 bằng 8,4% ngân sách Nhà nước)...
Nhiệm vụ thời gian tới là phải kiểm soát tốt hơn những nhân tố dẫn đến nợ công để giảm thiểu rủi ro; tăng cường kiểm toán việc chi tiêu các khoản vay nợ, từ đó xử lý nợ công trong ngưỡng an toàn, hiệu quả. Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam không nằm trong nhóm nước có gánh nặng về nợ cao. Tuy nhiên, hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công của Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ đồng tình với nhiều ý kiến của cử tri, rằng kết quả đạt được thời gian qua trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã đạt những kết quả nhất định, nhưng chưa đáp ứng được sự mong mỏi, yêu cầu đề ra và cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa. Tham nhũng là một trong bốn nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ, vì vậy Đảng và Nhà nước đã xác định tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, huy động sức mạnh của toàn dân, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần trọng danh dự của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức.
Đồng tình với những ý kiến của cử tri trước những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định biển đảo là một phần lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời của Tổ quốc. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi công dân Việt Nam.
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đất nước vẫn giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; chủ động, kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp phù hợp, bảo vệ được chủ quyền, biển, đảo, vùng trời và giữ được hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Vừa qua, sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA), Bộ Ngoại giao đã có phán ứng kịp thời, phù hợp; lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông được cộng đồng quốc tế ủng hộ. Nhiều nước và tổ chức quốc tế đã lên tiếng bày tỏ quan ngại, kêu gọi các bên liên quan coi trọng an ninh, an toàn hàng hải, hàng không; tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Chia sẻ với những quan ngại của cử tri xung quanh vụ việc cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết ngay sau khi có thông tin về sự cố, Bộ Chính trị, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nhiều lần họp, nghe báo cáo và chỉ đạo sát sao việc triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người dân vùng bị thiệt hại; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đồng thời xác định, làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra sự cố để có giải pháp xử lý. Vừa qua, Chính phủ đã công bố kết luận về vụ việc trên.
Công ty Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường, đồng thời cam kết: công khai xin lỗi; thực hiện việc bồi thường thiệt hại với tổng số tiền tương đương trên 11.500 tỷ đồng (500 triệu USD); khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, nước thải; xây dựng các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền Trung; thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết nói trên, không để tái diễn các hành vi vi phạm.
Sự cố trên cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục nâng cao trách nhiệm, năng lực quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững. Đây cũng là bài học trong quá trình đầu tư phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, trong đó có pháp luật về bảo vệ môi trường.
“Đây là bài học đắt giá, vì vậy chủ trương tới đây của Nhà nước là sẽ rà soát lại tất cả các dự án trong cả nước có liên quan đến vấn đề môi trường. Đất nước kêu gọi đầu tư nước ngoài, nhưng cũng không chấp nhận các dự án đầu tư nước ngoài bằng mọi giá. Chúng ta trải thảm đỏ mời gọi nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư giúp đất nước phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng vẫn phải đảm bảo độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm lợi ích và an ninh của đất nước, bảo đảm môi trường, cuộc sống của nhân dân,” Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Về ý kiến cử tri liên quan đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng đây là vấn đề hết sức quan ngại, vừa đe dọa trực tiếp cuộc sống của người dân, vừa liên quan đến an ninh xã hội, là mối lo chung của cử tri, của đại biểu Quốc hội.
Tình trạng sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm không an toàn có xu hướng gia tăng gây tác động nghiêm trọng tới sức khỏe nhân dân, tạo tâm lý bất an trong xã hội, về lâu dài có thể ảnh hưởng xấu đến giống nòi. Công tác điều hành, phối hợp trong bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn chồng chéo, còn sơ hở, lỏng lẻo, chưa có sự phối hợp chặt chẽ...; tình trạng vi phạm còn diễn biến phức tạp, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân. Quốc hội vừa qua đã quyết định đưa nội dung giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016” vào chương trình giám sát tối cao của Quốc hội năm 2017.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương cần có các giải pháp, chương trình hành động cụ thể, đồng bộ và khả thi để tạo ra sự thay đổi căn bản trong nhận thức và ý thức trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm...
Đối với vấn đề an ninh nguồn nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ đây là mối quan tâm toàn cầu. Những năm gần đây, an ninh nguồn nước của đất nước bị đe dọa nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến môi trường sống. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang đặt ưu tiên hàng đầu về các giải pháp toàn diện, đồng bộ, khả thi nhất để đảm bảo an ninh nguồn nước. Đảng, Nhà nước sẽ có chiến lược về đảm bảo an ninh nguồn nước.
Chủ tịch nước cũng ghi nhận, chia sẻ mối quan ngại của cử tri về vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an ninh mạng và tội phạm mạng.../.