Trong chuyến công tác tại Hà Giang dự lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh (20/8/1891-20/8/2021), chiều 7/12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo Hội nghị Tổng kết Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2019-2021.
Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.
Theo báo cáo của tỉnh Hà Giang, thực hiện Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo, thời gian qua, tỉnh đã vận động kinh phí hỗ trợ chương trình, tập trung rà soát đối tượng, kiểm tra, giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và kịp thời phân bổ kinh phí vận động để hỗ trợ các hộ làm nhà ở.
Triển khai chương trình, các địa phương đã có nhiều cách làm linh hoạt, như: vận động, hỗ trợ thêm kinh phí, vật liệu cho các hộ làm nhà phù hợp với bản sắc, phong tục tập quán từng dân tộc, đảm bảo tiêu chuẩn "cứng tường, cứng nền, cứng mái."
Các cơ quan chức năng đã huy động hỗ trợ ngày công giúp đỡ những hộ già cả, neo đơn, không có sức lao động, kinh tế quá khó khăn. Năm 2021 đã tiếp nhận trên 63,5 tỷ đồng từ các đơn vị, cá nhân hỗ trợ cho chương trình; đã triển khai và hoàn thành làm nhà ở cho gần 1.400 hộ. Lũy kế tổng kinh phí các đơn vị, cá nhân hỗ trợ cho chương trình đến nay là trên 305,5 tỷ đồng.
[Thành phố Hồ Chí Minh bổ sung nhiều chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội]
Hiện toàn tỉnh đã có trên 5.100 hộ gia đình triển khai và hoàn thành. Công tác xây dựng nhà ở cho cựu chiến binh nghèo, gia đình chính sách, hộ nghèo khó khăn về nhà ở vượt kế hoạch đề ra.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đây là chương trình mang ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc, thể hiện phong trào cả nước chung tay vì người nghèo. Chỉ hơn 2 năm, trong bối cảnh khó khăn của thiên tai, dịch bệnh, một tỉnh biên giới còn nghèo như Hà Giang đã bố trí nhà ở cho hơn 5.100 hộ; kinh phí huy động từ các nguồn hơn 300 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch nước, đây là kết quả tốt với một địa phương khó khăn, thể hiện quyết tâm chính trị cao, thể hiện sự đoàn kết đồng lòng, triển khai bài bản của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, bản và người dân. Việc hỗ trợ nhà ở còn đảm bảo an ninh trật tự vùng biên cương, đảm bảo ổn định đời sống người dân.
Trong thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh tiếp tục chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, gia đình chính sách bởi Hà Giang là tỉnh còn nghèo, các huyện vùng cao, biên giới còn khó khăn bởi thiên tai, nhiều nhà dột nát, hư hỏng.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cho rằng, tỉnh Hà Giang tính toán, triển khai chương trình sắp xếp lại dân cư hợp lý hơn, với đa mục tiêu, giảm chi phí cung cấp hạ tầng thiết yếu, dịch vụ công; đồng thời bảo vệ biên cương Tổ quốc, củng cố cộng đồng dân cư, giữ gìn bản sắc văn hóa.
Nêu tinh thần "không để ai bị bỏ lại trong sự phát triển," Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Xây nhà là quan trọng nhưng giữ hồn cho ngôi nhà quan trọng hơn. Đó là văn hóa, là yêu nước, tinh thần dân tộc, tình cảm xóm làng, tình cảm cộng đồng thương yêu, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong cuộc sống, nhất là những vùng xa xôi, hẻo lánh."
Đánh giá cao chương trình hỗ trợ nhà ở với cách làm bài bản, tổng thể của Hà Giang, Chủ tịch nước đề nghị các cấp, các ngành Trung ương, Mặt trận Tổ quốc nhân rộng ra cả nước. Chủ tịch nước cho rằng, phải tính toán tổng thể về chiến lược nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động, sinh viên... trên cả nước để mang lại cơ hội nhà ở tốt hơn cho những người thu nhập thấp, đặc biệt ở những tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp tập trung, số lượng công nhân lớn.
Chủ tịch nước cũng đề nghị nghiên cứu áp dụng hệ thống tài chính nhà ở một cách bền vững từ nhiều nguồn khác nhau; đề xuất đổi mới cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp; thực hiện tái cơ cấu thị trường bất động sản, gắn với mục tiêu chiến lược phát triển nhà ở xã hội.
Theo Chủ tịch nước, nếu làm tốt vấn đề nhà ở xã hội thì sẽ giải quyết được những vấn đề về bất bình đẳng, chênh lệch giàu nghèo, nên tất cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cần quan tâm, thực hiện.
Tại hội nghị, Chương trình xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo tỉnh Hà Giang đã nhận được hỗ trợ 1 tỷ đồng từ tỉnh Lâm Đồng; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) hỗ trợ 30 căn nhà (tương đương 1,8 tỷ đồng); Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) hỗ trợ 30 căn nhà (tương đương 1,8 tỷ đồng)./.