Chủ tịch Quốc hội chủ trì Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết phiên họp thường kỳ thứ 30 trong tháng 2/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong 1 ngày để xem xét, cho ý kiến quyết định với 5 nội dung chính.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Sáng 22/2, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thường kỳ thứ 30.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Phiên họp thường kỳ thứ 30 trong tháng 2/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra trong 1 ngày để xem xét, cho ý kiến quyết định đối với 5 nội dung chính.

Thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Đây là một trong tổng số 9 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và dự kiến sẽ được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (dự kiến tháng 5/2024).

Ngay sau Kỳ họp thứ 6, cơ quan chủ trì soạn thảo và thẩm tra đã chỉnh lý công phu và trách nhiệm đối với dự án luật này. Phiên họp này, các đại biểu tập trung cho ý kiến thêm về một số vấn đề quan trọng nhất của dự án luật.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại trên tinh thần bám sát, quán triệt đầy đủ các quan điểm, nguyên tắc lớn trong xây dựng dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) để đảm bảo thực hiện đúng quan điểm, nguyên tắc xây dựng luật; kịp thời thể chế hoá các chủ trương của Đảng và các nghị quyết, kết luận có liên quan đến dự án luật này; kế thừa, phát triển và hoàn thiện các quy định hiện hành trong luật còn giá trị và còn phù hợp, đồng thời sửa đổi, bổ sung những nội dung còn bất cập đã được chỉ ra, bổ sung những vấn đề mới.

Đặc biệt là quy định về thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong hoạt động lưu trữ nhưng vẫn bảo đảm tính quản lý tập trung, thống nhất và chia sẻ, kết nối các dữ liệu liên quan đến lĩnh vực này.

Cùng với đó đẩy mạnh, phát huy giá trị gia tăng của tài liệu khi được lưu trữ; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động lưu trữ. Nhấn mạnh đây là hoạt động rất mới, Chủ tịch Quốc hội lưu ý xem xét tính đồng bộ của hệ thống pháp luật (nhất là thời gian qua một loạt văn bản Luật được ban hành như Luật Giao dịch điện tử, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng…); có tính chất phù hợp với thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế phổ biến về vấn đề lưu trữ…Huy động, sử dụng, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là lưu trữ công còn có khu vực lưu trữ tư; đẩy mạnh xã hội hoá về lưu trữ gắn với thúc đẩy kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật và một số vấn đề lớn, quan trọng khác, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau…

Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, nhằm thể chế hoá kịp thời Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; tiếp tục cụ thể hoá quy định của Hiến pháp đồng thời bổ sung, khắc phục một số vướng mắc, bất cập trong hoạt động thực tiễn…

Thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Tờ trình của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về giao bổ sung số lượng Kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân.

Thứ tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 1/2024 (trong đó có công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 12/2023).

Thứ năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo báo cáo Tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV; đánh giá ý nghĩa, tầm quan trọng của kỳ họp này khi Quốc hội thông qua những dự án Luật rất quan trọng như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)…

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc cho ý kiến, tổng kết Kỳ họp này nhằm tiếp tục phát huy những nội dung đã làm tốt cũng như rút kinh nghiệm một số vấn đề để hoạt động của Quốc hội ngày càng phát huy dân chủ, tăng tính pháp quyền, nâng cao chất lượng trong công tác lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, khối lượng công việc còn nhiều, dự kiến sẽ xem xét, thông qua, cho ý kiến lần đầu với nhiều dự án luật, dự thảo Nghị quyết, có thể nói là lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý các cơ quan hữu quan đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho hai phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng Ba tới.

Sau phiên khai mạc, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo và cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục