Theo đặc phái viên TTXVN, sáng 27/3 (theo giờ địa phương), tại Trụ sở Hạ viện Hà Lan, thành phố La Haye, Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Hà Lan Khadija Arib đã chủ trì lễ đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Hà Lan.
Ngay sau lễ đón, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Hạ viện Khadija Arib đã tiến hành hội đàm.
Tại hội đàm, Chủ tịch Hạ viện Khadija Arib nồng nhiệt chào mừng Chủ tịch Quốc hội thăm chính thức Hà Lan. Dù chưa có dịp đến Việt Nam nhưng Chủ tịch Hạ viện Khadija Arib cho biết rất ấn tượng với những kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và luôn mong muốn được đến thăm Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến thăm đất nước Hà Lan xinh đẹp, thịnh vượng và giàu lòng mến khách; cảm ơn Chủ tịch Hạ viện đã mời và dành cho Đoàn sự đón tiếp trọng thị, thân tình, chu đáo.
Nhấn mạnh đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và đang hướng tới nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng chuyến thăm sẽ làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với Hà Lan nói chung, giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Hà Lan nói riêng, mở ra những triển vọng hợp tác mới trong quan hệ song phương, cũng như hợp tác giữa Việt Nam và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Liên minh châu Âu (EU).
[Chủ tịch Quốc hội chào xã giao Hoàng hậu Vương quốc Hà Lan]
Hai nhà lãnh đạo hài lòng nhận thấy quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương trong 45 năm qua đang phát triển tốt đẹp trên tất cả các mặt; sự tin cậy chính trị giữa hai bên ngày càng được củng cố.
Quan hệ Đối tác chiến lược về Thích ứng với biến đổi khí hậu và Quản lý nước (ký năm 2010) và Đối tác chiến lược về Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực (ký năm 2014) là mô hình hợp tác hiệu quả, khai thác tốt các thế mạnh truyền thống của Hà Lan, góp phần phát triển bền vững tại Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thông báo với Chủ tịch Hạ viện Hà Lan một số nét chính về tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Trong năm 2017, Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng, lần đầu tiên sau nhiều năm Việt Nam đã đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu về kinh tế-xã hội, đặc biệt là tăng trưởng kinh tế đạt mức 6,81% - cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới và bổ sung đạt gần 30 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục gần 425 tỷ USD; thu hút gần 13 triệu khách du lịch quốc tế.
Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán nhiều Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương.
Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh theo phương châm chủ động, tích cực, hiệu quả và đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Việt Nam đã tổ chức thành công Năm APEC 2017, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Tiếp nối những thành công của Hội nghị APEC 2017, vào tháng 1/2018 Quốc hội Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26) tại Hà Nội, đánh dấu 25 năm phát triển và định hướng tương lai của Diễn đàn trong thập niên tiếp theo đến năm 2030 với Tuyên bố Hà Nội về “Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á-Thái Bình Dương."
Chủ tịch Quốc hội chúc mừng Hà Lan đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2018; tin tưởng với hợp tác tốt đẹp vốn có giữa hai nước tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là giữa hai phái đoàn Việt Nam và Hà Lan bên cạnh Liên hợp quốc, hai bên sẽ tiếp tục hợp tác thành công tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, góp phần vào hòa bình, thịnh vượng, ổn định khu vực và toàn cầu.
Nhấn mạnh việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, trong đó có Hà Lan - cường quốc về ngoại thương, Chủ tịch Quốc hội mong muốn Hà Lan có tiếng nói ủng hộ về vấn đề Biển Đông, trong đó mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, nghiêm túc tuân thủ và thực thi luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Chủ tịch Hạ viện Khadija Arib nhất trí với các đề xuất của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và cho rằng hai nước có nhiều điểm tương đồng, nhiều tiềm năng có thể thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Trao đổi về các lĩnh vực hợp tác song phương cụ thể, hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về những kết quả đạt được trong quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư thời gian qua.
Hai nước hiện là đối tác kinh tế thương mại và đầu tư quan trọng của nhau. Hà Lan trở thành thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam tại EU.
Năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt hơn 7,77 tỷ USD. Ngay trong chuyến thăm lần này, một doanh nghiệp của Việt Nam đã ký hợp đồng về xuất khẩu thịt gà, cung ứng chuỗi thực phẩm sạch với doanh nghiệp của Hà Lan.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao nhiều dự án đầu tư của các tập đoàn lớn Hà Lan đang hoạt động rất có hiệu quả ở Việt Nam, như: Heineken (bia), Unilever (chất tẩy rửa, hóa mỹ phẩm), Royal Dutch Shell (khai thác và phân phối dầu khí), Foremost (sữa), Akzo Nobel Coating (hóa dược), Philips (điện tử)…
Công ty Dalat Hasfarm tại Lâm Đồng hiện là công ty hàng đầu về xuất khẩu hoa tại Đông Nam Á và là biểu tượng lan tỏa tới các doanh nghiệp và người trồng hoa Việt Nam.
Hà Lan hiện đang xếp thứ 11/126 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 305 dự án trị giá gần 8,2 tỷ USD.
Chủ tịch Quốc hội cảm ơn Nghị viện Hà Lan đã phê chuẩn Hiệp định khung về Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam-EU (PCA). Vừa qua, Việt Nam và EU đã thống nhất tách Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) thành hai hiệp định riêng biệt, gồm: Hiệp định về hàng hóa thương mại và Hiệp định đầu tư Việt Nam- EU.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn Nghị viện Hà Lan ủng hộ thúc đẩy và sớm ký, phê chuẩn các hiệp định nêu trên; tin tưởng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU có hiệu lực sẽ tạo khuôn khổ pháp lý đưa quan hệ thương mại và đầu tư song phương có bước phát triển đột phá, vì lợi ích của doanh nghiệp và nhân dân hai nước.
Về hợp tác trong lĩnh vực môi trường, nông nghiệp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Đảng và Nhà nước Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ của Hà Lan dành cho Việt Nam trong khuôn khổ Thỏa thuận Đối tác chiến lược giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, đặc biệt là trong phối hợp xây dựng Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long (MDP) - đưa ra được tầm nhìn dài hạn và các khuyến nghị cho sự phát triển bền vững của khu vực này trong điều kiện chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những dự án hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Bộ Kinh tế Hà Lan như: Dự án "Nâng cao giá trị chuỗi thịt lợn Việt Nam theo định hướng quốc tế," Dự án "Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam giai đoạn 2016-2020"...
Chủ tịch Quốc hội mong muốn Hà Lan sẽ tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ Việt Nam thực hiện các dự án cụ thể về tăng cường năng lực trong công tác quản lý tổng hợp tài nguyên nước, xây dựng mô hình thí điểm cấp nước với các vùng khó khăn về nguồn nước, lập quy hoạch tài nguyên nước đồng bằng sông Cửu Long.
Về văn hóa, du lịch, hai Chủ tịch nhất trí đề nghị hai bên xem xét tăng cường hợp tác với các đối tác trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm thúc đẩy cơ hội giao lưu hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn; tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như: nghiên cứu bảo tàng học, phục chế tác phẩm nghệ thuật, nghiên cứu bảo tồn di tích và phát huy vai trò của cộng đồng trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng hợp tác song phương trong lĩnh vực du lịch còn rất nhiều tiềm năng; đồng thời đề nghị, Hà Lan ký Thỏa thuận Hợp tác du lịch song phương, làm cơ sở pháp lý cho việc hình thành và triển khai các chương trình, hoạt động hợp tác cụ thể về du lịch giữa hai nước.
Về hợp tác an ninh-quốc phòng, Chủ tịch Quốc hội mong muốn Hà Lan tiếp tục hỗ trợ và trao đổi kinh nghiệm với Việt Nam trong việc tham gia các phái đoàn gìn giữ hòa bình và thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam.
Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng, quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Hà Lan không ngừng phát triển tốt đẹp. Hai bên duy trì việc trao đổi Đoàn các cấp, trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực hoạt động nghị viện, tăng cường hiểu biết và thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác song phương, đồng thời, tích cực gặp gỡ, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn nghị viện đa phương.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tiếp tục trao đổi đoàn cấp cao, cấp ủy ban, cơ quan phục vụ Quốc hội và các nghị sỹ nhằm tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, làm cơ sở phát triển quan hệ sâu rộng, thiết thực và hiệu quả trên mọi lĩnh vực; tiếp tục phát huy cơ chế tham vấn và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, như: Liên minh nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn nghị viện Á-Âu (ASEP)...; phối hợp giám sát thực hiện các Thỏa thuận hợp tác mà Chính phủ hai nước đã ký, trao đổi thông tin về hoạt động nghị viện mỗi nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Hạ viện Khadija Arib cũng nhất trí xem xét việc thành lập Nhóm nghị sỹ hữu nghị để tạo cơ chế trao đổi, hợp tác giữa các nghị sỹ của hai nước.
Chủ tịch Hạ viện Hà Lan bày tỏ mối quan tâm đặc biệt đối với vai trò của phụ nữ trong đời sống chính trị, nhất là sự đóng góp của nữ nghị sỹ trong Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn Hà Lan đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam đang học tập và sinh sống tại Hà Lan; đề nghị Chủ tịch Hạ viện và Hạ viện Hà Lan tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam hòa nhập, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội Hà Lan, phát huy vai trò cầu nối thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Nhân dịp này, thay mặt Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trân trọng mời Chủ tịch Hạ viện Hà Lan Khadija Arib thăm chính thức Việt Nam trong thời gian tới. Chủ tịch Hạ viện trân trọng cảm ơn và vui vẻ nhận lời./.