Chủ tịch Quốc hội mong ngành tài chính tham mưu tốt cho Chính phủ

Chủ tịch Quốc hội mong ngành Tài chính phối hợp chặt chẽ các đơn vị để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn; với tinh thần kiên quyết, mạnh mẽ hơn khi tham mưu các vấn đề triển khai thực hiện pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội mong ngành tài chính tham mưu tốt cho Chính phủ ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Ngày 26/2, tại Hà Nội, trong buổi làm việc với Bộ Tài chính, Chủ tịch Quốc hội mong muốn ngành Tài chính nỗ lực tham mưu tốt cho Chính phủ và thực hiện đầy đủ kịp thời những chính sách, pháp luật được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.

Bên cạnh đó, ngành phối hợp chặt chẽ các Ủy ban của Quốc hội và Kiểm toán Nhà nước để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn; với tinh thần kiên quyết, mạnh mẽ hơn khi tham mưu các vấn đề triển khai thực hiện pháp luật.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác và lãnh đạo Bộ Tài chính đã đánh giá việc triển khai thực hiện các luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách mới được Quốc hội thông qua như Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và việc ban hành văn bản hướng dẫn, chuẩn bị tổ chức thực hiện các luật này.

Các đại biểu đã đánh giá bước đầu việc thành lập các đầu mối liên quan đến quản lý nhà nước về nợ công, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách, dự kiến kế hoạch xây dựng, sửa đổi chính sách pháp luật liên quan khác...

Các thành viên Đoàn công tác đã đánh giá tình hình thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách; dự kiến kế hoạch xây dựng, sửa đổi chính sách pháp luật liên quan lĩnh vực tài chính, ngân sách giai đoạn 2018-2020, đặc biệt các chính sách thu...

Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Tài chính báo cáo, đại diện các cơ quan hữu quan thảo luận, phân tích, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Bộ Tài chính trong việc giữ vững “tay hòm chìa khóa” ngân sách quốc gia; tham mưu đề xuất chính sách, pháp luật trong lĩnh vực tài chính, quản lý thu chi ngân sách, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ngành Tài chính cần bắt tay triển khai các nhiệm vụ ngay từ đầu năm, vì 2018 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch năm năm 2016-2020.

Bộ Tài chính lần đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 25/2016/QH14 về Kế hoạch tài chính năm năm quốc gia giai đoạn 2016-2020. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc triển khai cũng là cơ sở cho việc quen dần trong xây dựng kế hoạch trung hạn, để có tầm nhìn dài hơn. Sau gần nửa chặng đường thực hiện có thể thấy, thực hiện mục tiêu tổng quát của Nghị quyết trên đạt được kết quả ban đầu. Rõ nhất là hệ thống thể chế và cơ chế tài chính quốc gia tiếp tục được hoàn thiện; cơ cấu thu, cơ cấu chi ngân sách nhà nước từng bước được cải thiện theo hướng tích cực.


[Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng từ năm 2019]

Chủ tịch Quốc hội nhận định, năm 2017, bội chi ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài quốc gia đã được kiểm soát và kỷ cương kỷ luật tài chính được bảo đảm. Chính sách tài chính được siết chặt và bám sát dự toán. Có thể thấy, trong thực hiện Kế hoạch trung hạn năm năm tài chính quốc gia là bội chi đã giảm xuống...

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội ủng hộ phương án trong Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), đã phê duyệt đưa nợ công về một đầu mối duy nhất quản lý là Bộ Tài chính từ tháng 7/2018; không để nhiều đầu mối quản lý như trước đây. Theo đó, với vai trò quản lý, Bộ Tài chính cần chủ động phối hợp các ngành hữu quan làm cho tốt từ khâu chuẩn bị đến tổ chức thực hiện bắt đầu từ thời điểm 1/7.

Trong triển khai cụ thể hóa các luật trong lĩnh vực tài chính, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Bộ Tài chính thời gian qua phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành quy định chi tiết các điều khoản thi hành mà luật quy định giao cho Chính phủ hướng dẫn, các nghị định quy định chi tiết Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công cơ bản hoàn thành. Về việc thực hiện các chính sách tài chính đặc thù theo các luật chuyên ngành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản đề nghị Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính rà soát các nội dung này...

Tiếp thu một số kiến nghị của Bộ Tài chính, Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan xem xét báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Tài chính nâng cao hiệu quả việc quản lý nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn; triển khai sắp xếp các doanh nghiệp trong thẩm quyền quản lý; tăng cường quản lý thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo pháp luật, cải cách công tác thu; giới hạn các quỹ tài chính để tập trung nguồn lực cho ngân sách nhà nước.

Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện công tác siết chặt kỷ luật kỷ cương tài chính; kiên quyết giữ vững kế hoạch tài chính quốc gia, coi đây là nhiệm vụ quan trọng; kiên định triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao các nội dung của Nghị quyết số 25/2016/QH14 về Kế hoạch tài chính năm năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 và các văn bản liên quan.

Bộ tích cực rà soát tổ chức bộ máy, không để tăng thêm biên chế; triển khai cơ cấu lại bộ máy lĩnh vực thuế, kho bạc, hải quan ngay từ đầu năm; trình phương án cụ thể và đưa vào Nghị định nội dung khoán xe công, bảo đảm đến năm 2020 giảm 30-50% đầu xe công như Chính phủ chỉ đạo..../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.