Chủ tịch Hà Nội giải đáp vấn đề nước sạch, ô nhiễm môi trường

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giải đáp nhiều vấn đề nóng

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết thành phố đang nghiên cứu, xây dựng một bãi đỗ xe lớn, mở rộng tuyến đường tại ngoại vi khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giải đáp nhiều vấn đề nóng ảnh 1Toàn cảnh buổi họp tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm. (Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN)

Chiều 15/11, tại buổi họp tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 11 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV tại quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giải đáp nhiều ý kiến của cử tri quận Hoàn Kiếm liên quan đến những "vấn đề nóng" xảy ra trên địa bàn thành phố trong thời gian vừa qua như nước sạch, ô nhiễm môi trường, các dự án chậm triển khai...

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Hùng Sơn (phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) đề cập đến không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, kiến nghị cấm xe chở khách lớn vào khu vực này vì ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông, gây ùn tắc.

Các sự kiện ca nhạc mở loa công suất lớn, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Về nội dung này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết sẽ chỉ đạo quận Hoàn Kiếm, các cơ quan chức năng điều chỉnh, phân luồng các phương tiện chở khách cỡ lớn, điều chỉnh âm thanh các sự kiện văn nghệ.

Thông tin thêm đến cử tri, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết thành phố đang nghiên cứu, xây dựng một bãi đỗ xe lớn, mở rộng tuyến đường tại ngoại vi khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Nhiều cử tri nêu ý kiến về việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức thôn, tổ dân phố, người hoạt động không chuyên trách là cần thiết, có nhiều tác động tích cực, cần làm sớm để hệ thống chính trị được gọn nhẹ, hiệu quả.

Tuy nhiên, cán bộ tổ dân phố sẽ gặp khó khăn trong quản lý con người, việc tuyên truyền phổ biến pháp luật, chủ trương gặp khó do số hộ quản lý đông; thiếu các thiết chế văn hóa phục vụ nhân dân.

Ngoài ra, việc sắp xếp lại các tổ dân phố liên quan đến sắp xếp các chi bộ cơ sở, trong giai đoạn chuẩn bị Đại hội Đảng sẽ có ảnh hưởng.

Về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá các kiến nghị của cử tri rất xác đáng, thành phố xin ghi nhận để báo cáo Thường trực Thành ủy, tham mưu theo hướng xây dựng đề án với các nội dung thuận lợi cho cán bộ ở cơ sở.

Liên quan đến ý kiến của cử tri Trịnh Thị Nhung (phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm) cho rằng tiến độ thi công các tuyến đường sắt đô thị, đường bộ trên cao còn chậm, cần khắc phục để sớm đưa vào khai thác, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, việc vận hành tàu điện tuyến Hà Đông-Cát Linh cần có bước kiểm định, nghiệm thu. Hiện, khâu kiểm định còn vướng mắc do nhà thầu chậm trễ cung cấp hồ sơ thiết bị.

Ngoài ra, dự án chuẩn bị được các cơ quan chức năng kiểm toán và thành phố sẽ yêu cầu nhà thầu thi công giải quyết các kiến nghị sau kiểm toán.

Về tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội, các cơ quan chức năng cố gắng cuối năm 2020 sẽ đưa vào hoạt động 8km đường trên cao.

Về an toàn giao thông, thành phố đang xây dựng trung tâm điều hành giao thông, dự kiến hết quý 1 năm 2020 sẽ đi vào hoạt động.

Cử tri Lê Ngọc Bình (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm) bày tỏ lo lắng về tình trạng ô nhiễm môi trường, đề xuất cần có hình thức hỗ trợ để người dân chuyển đổi việc dùng bếp than tổ ong, có giải pháp giảm khí thải phương tiện giao thông.

Về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết thành phố sẽ có chính sách hỗ trợ hộ nghèo thay thế bếp than tổ ong. Hà Nội rất quan tâm đến vấn đề môi trường, có nhiều giải pháp quyết liệt theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa, tăng cường trồng cây xanh.

Cử tri Đặng Thế Vinh (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) nêu thực trạng việc giải quyết thủ tục hành chính còn gặp khó khăn, như thủ tục cấp đổi chứng minh nhân dân, hộ khẩu, nhất là những giấy tờ, thủ tục liên quan đến người cao tuổi.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tiếp thu ý kiến này và cho biết hồ sơ công dân đã được cơ quan công an lưu giữ, thành phố sẽ chỉ đạo Công an thành phố giải quyết thủ tục nhanh gọn, đến tận nhà phục vụ người cao tuổi.

Cử tri Trần Ngọc Toán (phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm) quan tâm về vấn đề nước sạch, với thực trạng là tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến nhu cầu nước sạch tăng, trong khi đó các nhà máy nước sạch còn bất cập về giá, để xảy ra sự cố... Đây là những vấn đề thành phố cần phải làm rõ, tránh xảy ra dư luận về những tiêu cực hay lợi ích nhóm.

Về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội khẳng định thành phố đã nhanh chóng vào cuộc, điều tra, xử lý sự cố nước sạch vừa xảy ra, đến nay có thể kết luận đây là vụ vi phạm về xả thải, không phải hành vi phá hoại.

Về hiện trạng nước sạch hiện nay, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết thành phố có 12 nhà máy nước đơn lẻ. Để huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống cấp nước, Hà Nội đã báo cáo Chính phủ và được chấp thuận cơ chế quản lý vốn các nhà máy nước.

Đến nay, có nhiều nhà đầu tư đăng ký đầu tư dự án cấp nước, là các nhà đầu tư có uy tín, như dự án Nhà máy nước Sông Đuống. Đây là nhà máy nước hiện đại, tiêu chuẩn châu Âu, chất lượng nước được kiểm soát bằng thiết bị hiện đại. Hà Nội được Chính phủ đồng ý giao một đầu mối quản lý nước là Sở Xây dựng. Hiện, việc quản lý rất nghiêm ngặt, nhất là về quan trắc chất lượng nước.

Riêng Nhà máy nước sạch Sông Đà cam kết sau 3 tháng sẽ lắp đặt hệ thống quan trắc và chia sẻ dữ liệu với Hà Nội. Thành phố phấn đấu đến 2023, công suất nước sạch đạt 2,1 triệu m3/ngày đêm.

Cử tri Lê Ngọc Bình (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm) bày tỏ lo lắng về việc ga tàu điện ngầm C9 quá gần hồ Hoàn Kiếm, ảnh hưởng đến di tích quanh Hồ.

[Chủ tịch Hà Nội: Không có lợi ích nhóm trong dự án nước sông Đuống]

Về dự án này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết Ga C9 không nằm trong vành đai bảo vệ di sản. Thành phố đã họp bàn, xem xét kỹ lưỡng các phương án bố trí Ga C9, đã tính toán việc bố trí các cửa ga một cách phù hợp, bảo đảm mỹ quan đô thị, an toàn phòng cháy chữa cháy.

Với kỹ thuật hiện đại, việc thi công nhà ga này không ảnh hưởng đến các di tích quanh hồ Hoàn Kiếm như Tháp Bút.

Ngoài ra, thành phố đã giao Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm thực hiện dự án kè hồ Hoàn Kiếm, hiện nay đã có công nghệ mới, thi công nhanh (dự kiến 50 ngày).

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội mong muốn cử tri, nhân dân ủng hộ quận trong việc thực hiện dự án này.

Cũng tại buổi tiếp xúc, các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã báo cáo các cử tri về dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 11 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa X, cũng như kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2019, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2020 của thành phố và trả lời một số kiến nghị của cử tri quận Hoàn Kiếm.

Tại kỳ họp này, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ xem xét 14 báo cáo thường kỳ và 6 báo cáo chuyên đề. Đồng thời, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội cũng xem xét 6 tờ trình, dự thảo nghị quyết thường kỳ và 17 tờ trình, dự thảo nghị quyết chuyên đề.

Bên cạnh đó, thực hiện giám sát tại kỳ họp, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng và những vấn đề dân sinh bức xúc mà đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội và đông đảo cử tri Thủ đô quan tâm.

Kỳ họp thứ 11 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV dự kiến được tổ chức từ ngày 3-6/12/2019./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục