Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trả lời chất vấn nhiều vấn đề

Kết quả phiên chất vấn đã cho thấy các vấn đề được Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội lựa chọn chất vấn là "trúng và đúng," phù hợp với thực tiễn, đáp ứng kỳ vọng, mong mỏi của cử tri và nhân dân.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trả lời chất vấn nhiều vấn đề ảnh 1Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Ngày 9/12, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ Kỳ họp thứ ba, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, 28 lượt đại biểu đã đặt câu hỏi chất vấn, tranh luận, làm rõ các vấn đề cử tri quan tâm.

Chủ tịch, 4 phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, 8 giám đốc các sở, ban, ngành và một số chủ tịch quận, huyện, thị xã đã tham gia trả lời chất vấn.

Kết quả phiên chất vấn đã cho thấy các vấn đề được Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội lựa chọn chất vấn là "trúng và đúng," phù hợp với thực tiễn, đáp ứng kỳ vọng, mong mỏi của cử tri và nhân dân.

Các đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương, Vũ Mạnh Hải, Nguyễn Nguyên Quân cho rằng, công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã được thành phố triển khai đồng bộ, song cần đẩy mạnh hơn nữa, áp dụng công nghệ thông tin để thích ứng nhanh, an toàn với tình hình dịch.

Các đại biểu đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết các giải pháp của thành phố trong thực hiện “mục tiêu kép,” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội; tháo gỡ khó khăn trong thu hút đầu tư và giải ngân đầu tư công...

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã tiếp thu, giải trình đối với những vấn đề đại biểu có ý kiến và những vấn đề cử tri quan tâm; đồng thời báo cáo và làm rõ thêm một số nội dung quan trọng.

[Điều chỉnh tổng thể quy hoạch thủ đô Hà Nội đến năm 2050]

Cụ thể, về công tác chỉ đạo, điều hành năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, nhưng kinh tế, xã hội Thủ đô vẫn duy trì được kết quả khá tích cực, một số mục tiêu, chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch hoặc kịch bản phấn đấu đề ra. 

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các ngành, các cấp cùng phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô triển khai nhiều giải pháp linh hoạt để thực hiện “mục tiêu kép,” vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.

Kinh tế của Thủ đô duy trì tăng trưởng, với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cả năm 2021 ước đạt 2,92%. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 108,3% dự toán Trung ương giao, đạt 101,5% so với dự toán Hội đồng Nhân dân thành phố giao. 

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trả lời chất vấn nhiều vấn đề ảnh 2Người dân đến mua sắm ở chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Thành phố đã tích cực triển khai các hoạt động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chính sách ưu đãi, hỗ trợ người nộp thuế (tổng số tiền thực hiện các chính sách hỗ trợ 25.662 tỷ đồng).

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng cho rằng, kinh tế Thủ đô dù có tăng trưởng nhưng thấp hơn mục tiêu đề ra, 4/5 chỉ tiêu kinh tế chưa đạt; giải quyết vướng mắc trong triển khai các dự án thu hút đầu tư, nhất là giải phóng mặt bằng còn lúng túng, thiếu quyết liệt.

Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước lĩnh vực quy hoạch, đất đai, tài nguyên môi trường còn nhiều hạn chế, để xảy ra sai phạm, vi phạm pháp luật, còn tạo ra các điểm nghẽn, chưa khơi thông được nguồn lực đầu tư, phát triển.

Về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch trên địa bàn thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thành phố luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện chỉ đạo của Trung ương; sự quyết liệt, chủ động, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, chủ động linh hoạt từ sớm, từ xa, từ cơ sở với các phương án, kịch bản phòng, chống dịch ở cấp độ cao hơn, để không bị động, bất ngờ khi có tình huống xấu xảy ra. 

Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thành phố đã chỉ đạo mở rộng phương án quản lý, cách ly F1 tại nhà và tại các cơ sở cách ly tập trung của thành phố, cơ sở lưu trú phục vụ cách ly tự nguyện đối với các trường hợp F1 không đủ điều kiện cách ly tại nhà.

Đồng thời, thành phố chỉ đạo ngành Y tế, chính quyền các địa phương chuẩn bị các phương án cao trong cách ly, thu dung, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 với khả năng đáp ứng đến 100.000 ca nhiễm. 

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, để ngăn chặn, kiểm soát kịp thời, hiệu quả sự lây lan của dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới, thành phố tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương cũng như Thành ủy, trong đó xác định 11 nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 thời gian tới.

Trong đó, thành phố chuyển đổi tư duy, phương pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện từ quản lý "không COVID-19" sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong; chủ động theo dõi sát tình hình dịch bệnh, nhất là biến thể do chủng mới Omicron gây ra, sẵn sàng các phương án, kịch bản theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Bên cạnh đó, thành phố thí điểm thu dung điều trị bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ (F0) trên địa bàn xã phường, thị trấn với phương châm “4 tại chỗ.”

Điều chỉnh thời gian thực hiện cách ly tập trung các trường hợp tiếp xúc gần (F1) xuống còn 14 ngày. Thực hiện tốt công tác quản lý cách ly các trường hợp F1, F0  tại nhà đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế.

Đặc biệt là xây dựng phương án cụ thể, chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện bảo đảm an toàn để sớm tổ chức cho học sinh cấp 3, cấp 2 tại các quận/huyện/thị xã đi học trở lại.

Về nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2022, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, đã có báo cáo trình kỳ họp theo 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, với 26 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, có tính khả thi cao trên các lĩnh vực, nhằm đảm bảo thực hiện và hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2022.

Trong đó, tập trung triển khai các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong các ngành, lĩnh vực.

Về một số nhiệm vụ lớn, mang tính định hướng dài hạn phát triển Thủ đô, ông Chu Ngọc Anh cho biết sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện. 

Cụ thể như Chương trình phát triển nhà ở 2021-2030, tầm nhìn đến 2040; Nghị quyết cho phép áp dụng cơ chế đặc thù giải quyết giao đất dịch vụ trên địa bàn các quận, huyện; cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội giai đoạn 1 (đoạn Nhổn-Ga Hà Nội); phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị tuyến số 3, giai đoạn 2 (đoạn ga Hà Nội-Hoàng Mai); điều chỉnh chủ trương đầu tư và phương án quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 dự án đầu tư đường sắt đô thị tuyến số 2, giai đoạn 1 (đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục