Chủ tịch VCCI: Boeing cũng "bó tay" với điều kiện kinh doanh Việt Nam

Đánh giá cao nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp nhưng đại diện doanh nghiệp cũng nêu lên một loạt vấn đề khiến doanh nghiệp như đứng trước ngã ba đường.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đánh giá cao nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp nhưng đại diện doanh nghiệp cũng nêu lên một loạt vấn đề khiến doanh nghiệp như “đứng trước ngã ba đường.”

Lo… "ông nói gà, bà nói vịt"

Nói lên tâm tư của doanh nghiệp trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp sáng 17/5, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thừa nhận, hơn 75% doanh nghiệp đánh giá tích cực về những giải pháp trong nghị quyết. Đây là kết quả khảo sát được ông cho biết đã được phía VCCI thực hiện trong thời gian cuối năm 2016 và đầu năm 2017 tại hơn 1.000 doanh nghiệp.

Ông cũng lấy dẫn chứng về một số quy định mới được lòng doanh nghiệp như: bãi bỏ quy định về mức giới hạn và kiểm tra hàm lượng formaldehyt trong sản phẩm dệt may hay những cải cách về thủ tục thuế, hải quan, việc cơ quan chức năng chủ động đo lường sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp,…

Tuy vậy, với những thay đổi này, ông Lộc nêu thêm đánh giá: “Ta chưa thể thỏa mãn với những gì đạt được.” Những kết quả trên theo ông thực tế vẫn là nhỏ so với những bất cập đã dồn tụ nhiều năm.

Dẫn đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, đại diện VCCI cho rằng, thủ tục hành chính vẫn còn nhiều khê so với nhiều nước và một số văn bản chưa được sửa chữa kịp thời.

Ông Lộc lấy ví dụ về điều kiện kinh doanh với cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm. Theo quy định, các đơn vị muốn đăng ký kinh doanh mặt hàng này cần có đủ thiết bị từ ép, đúc, làm khuôn mẫu vỏ mũ, mút xốp tới những thiết bị như đập, đinh tán,… Tương tự, với doanh nghiệp đóng tàu, điều kiện kinh doanh hiện tại cũng yêu cầu các đơn vị phải có đủ máy cưa vòng, cưa đĩa, cưa cầm tay, bào đục, khoan, mài,…

“Ta phải hiểu, để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh, doanh nghiệp phải liên kết với hàng trăm doanh nghiệp khác. Nếu quy định thế này thì Boeing cũng không thể đáp ứng nổi điều kiện kinh doanh ở Việt Nam,” vị đại diện VCCI lên tiếng.

[Doanh nghiệp than khổ vì "biện pháp hành chính không rõ ràng"]

Nêu cái khó khác, ông Lộc cho rằng, mặc dù quan điểm trong nghị quyết của Chính phủ là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự nhưng thực tế, doanh nghiệp vẫn nơm nớp lo với cách xử lý “sớm nắng chiều mưa, ông nói bà bà nói vịt” của các cơ quan chức năng.

“Nhiều khi doanh nghiệp đứng trước ngã ba đường,” Chủ tịch VCCI nói.

“Của đồng chia ba, của nhà chia đôi”

Ở hướng khác, với ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam dành trọn 10 phút phát biểu của mình bày tỏ bức xúc về gánh nặng chi phí với doanh nghiệp.

“Nói thật, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, gian khổ trên bước đường làm ăn chân chính trong đó bức xúc nhất là gánh nặng chi phí cả chính thức và không chính thức,” ông Thân mở đầu bài phát biểu của mình.

[Doanh nghiệp ngày càng lo việc phải trả “chi phí không chính thức”]

Về chi phí chính thức, ông Thân cho rằng, quá trình cải cách thủ tục hành chính thời gian qua thực sự đã làm giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, ví dụ như chi phí về lập doanh nghiệp, thủ tục thuế, hải quan,…

Tuy nhiên, mặt khác, dù chưa chỉ cụ thể nhưng ông đánh giá, còn một số quy định chồng chéo, không thực sự cần thiết làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Chi phí không chính thức doanh nghiệp vẫn phải chi trả là vấn đề được vị đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thẳng thắn chỉ ra với các thủ tục như: xin chấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép quản lý đất đai,.. Ngoài ra, với những lĩnh vực doanh nghiệp thường bị kiểm tra như: chấp hành pháp luật thuế, an toàn thực phẩm, an toàn lao động,… ông Thân cho rằng, tình hình doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức vẫn chưa được cải thiện.

Tự nhận định rằng để tình trạng này xảy ra một phần trách nhiệm xuất phát từ chính các doanh nghiệp thiếu đạo đức kinh doanh nhưng ông Thân cũng không quên nhắc tới nguyên nhân từ phía công chức, viên chức Nhà nước.

“Mặc dù Chính phủ có nhiều giải pháp tháeo gỡ khó khăn nhưng khâu thực thi vẫn yếu. Điều này do sự thờ ơ, vô cảm của một bộ phận người làm công vụ, không hướng dẫn cho doanh nghiệp, tìm cách bắt lỗi doanh nghiệp, chưa coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Thế nên, doanh nghiệp muốn làm phải đi đêm, theo kiểu của đồng chia ba, của nhà chia đôi,” ông Thân lên tiếng.

Nói thêm về vấn đề này, trước đó, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cũng đánh giá, chi phí kinh doanh ở Việt Nam có thể nằm trong top cao nhất của khu vực, trong đó bao gồm cả chi phí chính thức và không chính thức.

Theo kết quả khảo sát từ phía VCCI, ông thống kê, vẫn còn gần 14% doanh nghiệp bị kiểm tra từ 4 lần trở lên trong năm 2016. Cá biệt, có những doanh nghiệp bị thanh kiểm tra tới 9 lần một năm. Nội dung những cuộc thanh kiểm tra này có thể không trùng nhau nhưng ông cho rằng, đó là gánh nặng của doanh nghiệp.

Điều này được Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh thêm một lần nữa. Chính Bộ trưởng kể câu chuyện có doanh nghiệp ở Đồng Nai phải tiếp tới 3 đoàn thanh tra trong 1 tháng. Điều này theo Bộ trưởng đánh giá khiến cho 4,6 triệu hộ kinh doanh lo ngại chưa tự nguyện lên doanh nghiệp vì sợ bị thanh, kiểm tra.

Từ những vấn đề trên, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân quan trọng là do một số chỉ đạo của Thủ tướng Chính phru không được thực hiện nghiêm.

Đại diện VCCI đề nghị Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị thúc đẩy các cơ quan, bộ, ngành địa phương thực hiện nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp. Ông cho rằng, Chính phủ cần làm rõ mục tiêu cần làm ngay trong năm nay, nêu rõ thời hạn và có chế tài.

“Mỗi năm, tôi mong có một chỉ thị cụ thể, cụ thể hóa nhiệm vụ từng năm với các địa chỉ cụ thể,” ông nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục