Doanh nghiệp than khổ vì "biện pháp hành chính không rõ ràng"

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đánh giá, chính sách tại Việt Nam vẫn thiếu nhất quán khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó.
Doanh nghiệp than khổ vì "biện pháp hành chính không rõ ràng" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thừa nhận không doanh nghiệp nào khi kinh doanh muốn vướng vào chuyện kiện cáo với cơ quan chức năng nhưng đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá, chính sách tại Việt Nam vẫn thiếu nhất quán khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó.

Chưa có tiếng nói chung

Lên tiếng về bức xúc của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam trong hội thảo sáng 16/5 tại Hà Nội, ông Shivam Misra, Đồng Chủ tịch Tiểu ban Rượu vang và Rượu mạnh EuroCham cho rằng, những lỗi nhỏ từ phía doanh nghiệp đang bị coi là lỗi lớn.

Ông lấy ví dụ về những sai sót trong tờ khai thuế của doanh nghiệp. Sai sót này được ông đánh giá là không tác động tới độ chính xác của trị giá giao dịch hàng hóa và không ảnh hưởng tới giá cả sản phẩm tuy nhiên, theo ông, cơ quan chức năng vẫn không chấp nhận mức giá của doanh nghiệp.

“Và điều cơ bản mà tôi muốn nói ở đây là cách cơ quan hải quan sử dụng các biện pháp hành chính không có cơ sở rõ ràng để xác định trị giá và truy thu thuế với doanh nghiệp,” ông Shivam Misra nói.

[Doanh nghiệp ngày càng lo việc phải trả “chi phí không chính thức”]

Lên tiếng về thắc mắc này, ông Vũ Văn Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan khẳng định, theo quy định, người khai hải quan phải tự khai, tự tính, xác định trị giá lô hàng xuất nhập khẩu. Những phương pháp xác định trị giá đã được quy định rõ trong luật. Sau đó, ngành hải quan sẽ xem xét lại xem việc khai báo đã đảm bảo nguyên tắc chưa.

Theo ông, việc xác định trị giá hàng hóa trên nếu phía hải quan làm không đúng và gây tổn thất cho doanh nghiệp thì phải thực hiện đúng theo quy định về bồi thường Nhà nước.

“Thực tế, thời gian qua, một số trường hợp doanh nghiệp bị tổn thất lỗi từ cơ quan quản lý Nhà nước đã được hoàn trả. Nếu hải quan hoặc doanh nghiệp chưa có tiếng nói chung thì doanh nghiệp có thể khởi kiện ra tòa,” ông Hải nói.

Tuy vậy, về ý kiến này, ông Thomas MaClelland, Chủ tịch Tiểu ban Thuế và Chuyển giá EuroCham đặt ra câu hỏi, doanh nghiệp có muốn kiện cơ quan chức năng ra tòa không?

Trả lời, cũng chính ông cho rằng, doanh nghiệp hoàn toàn không muốn vướng vào những câu chuyên như vậy. Vấn đề được ông nêu lên là cơ quan chức năng cần trao đổi thông tin để làm rõ với doanh nghiệp.

Thừa nhận chính sách thuế của Việt Nam hiện đã được cải thiện nhiều nhưng vấn đề ông nêu lên là thực hiện ra sao, nhất là ở cơ quan thuế, hải quan địa phương.

“Nhiều khi cơ quan chức năng không sẵn sàng giải thích cho doanh nghiệp,” đại diện Eurocham thẳng thắn.

Đã có bình đẳng?

Cũng về những quan ngại của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam kể câu chuyện về sự thiếu bình đẳng trong phạt chậm nộp với doanh nghiệp.

Theo bà, mặc dù mức phạt chậm nộp thuế với doanh nghiệp đã giảm dần từ mức 0,07%/ngày những năm trước về mức 0,03%/ngày từ 1/7/2016 nhưng thực tế, đây vẫn là những mức phạt cố định.

Trong khi ấy, với cơ quan chức năng, nếu thuế, hải quan thu thừa thuế, ấn định thuế sai hay hoàn thuế chậm, các cơ quan này cũng phải trả thêm cho doanh nghiệp số tiền lãi theo lãi ngân hàng tại thời điểm đó. Tuy nhiên, bà thừa nhận, mức bồi thường này thường là thấp hơn ngưỡng chịu phạt trên của doanh nghiệp.

“Tỷ lệ nên bằng nhau thì sẽ bình đẳng hơn,” bà Cúc lên tiếng.

Ngoài ra, theo bà, nếu doanh nghiệp chậm nộp thuế phải tự tính tiền chậm nộp nếu không cơ quan thuế, hải quan sẽ quyết định truy thu. Trong khi ấy, nếu muốn cơ quan thuế, hải quan trả lãi cho doanh nghiệp, phía doanh nghiệp phải làm văn bản chỉ ra được tiền thuế do cơ quan quản lý thu sai. Cơ quan thuế, hải quan kiểm tra xác minh rồi mới được xử lý.

“Như vậy, cách xử lý là khác nhau, đó cũng là do quy trình xử lý. Một bên phải tự làm, một bên phải có kết luận mới làm,” đại diện Hội Tư vấn Thuế Việt Nam nói.

Trong khi ấy, bà chỉ ra thực tế, tâm lý doanh nghiệp ngại đụng chạm. Bởi vậy, phần doanh nghiệp đề nghị trả lại do lỗi từ cơ quan thuế, hải quan theo bà thường ít hơn rất nhiều so với vi phạm của doanh nghiệp bị phạt.

Nói về mong muốn của giới doanh nghiệp, ông Thomas MaClelland, Chủ tịch Tiểu ban Thuế và Chuyển giá EuroCham cho rằng, hiện nhiều nhà đầu tư quan tâm tới thị trường Việt Nam và muốn làm ăn ở đây nhưng câu hỏi chung đặt ra là chính sách thuế có thực sự khuyến khích không.

“Mọi người chắc cũng không muốn bỏ tiền quá nhiều cho tư vấn thuế để giúp doanh nghiệp làm việc dễ dàng hơn bởi đó cũng là chi phí. Chúng tôi muốn ở Việt Nam kinh doanh dễ dàng hơn nhưng chỉ làm được thế nếu được luật cho phép,” ông nói./.

Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc chỉ ra sự thiếu bình đẳng trong phạt chậm nộp thuế
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.