Tránh tiêu cực trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Chính phủ sẽ tập trung để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa; trong đó, trọng tâm là tăng tỷ lệ vốn nhà nước bán ra thay vì hầu hết cổ phần hóa chỉ về “vỏ.”
Tránh tiêu cực trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ảnh 1Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017 tổ chức chiều 3/2, nhiều câu hỏi liên quan tới các giải pháp của Chính phủ trong việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng như các giải pháp của các ngành chức năng trong việc ngăn chặn tình trạng trốn thuế của các doanh nghiệp nước ngoài đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng đại diện các bộ, ngành giải đáp.

Vấn đề được đặt ra là năm nay, Chính phủ sẽ tập trung để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa; trong đó, trọng tâm là tăng tỷ lệ vốn nhà nước bán ra thay vì hầu hết cổ phần hóa chỉ về “vỏ,” còn về “chất” thì tỷ lệ Nhà nước nắm còn rất cao sau khi cổ phần hóa. Chính phủ có các giải pháp cụ thể và biện pháp mới, mạnh nào để mục tiêu đó trở thành hiện thực.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước năm nay khác với mọi năm ở chỗ, tinh thần Thủ tướng chỉ đạo là phải thực hiện quyết liệt. Hiện nay, số doanh nghiệp cổ phần hóa đạt 96,3%. Nhưng, phần vốn Nhà nước bán ra rất thấp, chỉ đạt 8%, như vậy là hoàn toàn tỷ lệ ngược với số doanh nghiệp được cổ phần hóa. Từ tinh thần đó, về nguyên tắc sau khi doanh nghiệp cổ phần hóa phải lên sàn chứng khoán, đây là yêu cầu bắt buộc. Nếu doanh nghiệp cổ phần hóa không lên sàn thì yêu cầu các cơ quan bộ, ngành xem xét đánh giá người đứng đầu tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.

Thứ hai, trên tinh thần chỉ đạo những doanh nghiệp nhà nước cần nắm giữ phần vốn nhà nước, những doanh nghiệp chủ đạo của nền kinh tế, những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng mà Nhà nước phải nắm phần vốn để chỉ đạo thì còn lại những doanh nghiệp không cần nắm giữ sẽ được bán 100%, có thể bán cả lô, bán cả gói cho nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài với tinh thần công khai minh bạch và lựa chọn theo đấu thầu tư vấn, đấu thầu cạnh tranh và lựa chọn nhà đầu tư.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng tinh thần là đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước, tránh thất thoát, tránh lợi ích nhóm, tránh tiêu cực trong vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Thủ tướng đã thành lập một Ban Chỉ đạo và trực tiếp Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo việc này. Trong các phiên họp thường kỳ Chính phủ đều bàn, đưa ra vấn đề tiến độ cổ phần hóa, bán cổ phần vốn của Nhà nước nắm giữ.

Liên quan đến Công văn 848 về chính sách thuế và quản lý thuế hoạt động kinh doanh và đặt phòng trực tuyến của Bộ Tài chính ngày 18/1. Theo đó, một số công ty đặt phòng trực tuyến nằm ở nước ngoài như Agoda, Booking... sẽ bị đánh thuế. Mức thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp là 5% trên tổng doanh thu.

Việc ra đời công văn này có nghĩa là từ trước đến nay những công ty này đã trốn thuế tại Việt Nam. Đồng thời, nếu những doanh nghiệp này bị áp thuế nhưng họ từ chối nộp thuế thì xử lý ra sao, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho hay Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã quy định rõ đối tượng chịu thuế. Đối với những nhà thầu có thu nhập phát sinh từ Việt Nam phải nộp thuế nhà thầu. Đó là thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Công văn 848 là công văn hướng dẫn nội bộ cơ quan thuế, yêu cầu rà soát quản lý đối với hoạt động này khi có một số kiến nghị của các công ty du lịch và phản ánh trên báo chí đã nêu. Đây là một biện pháp quản lý và yêu cầu các cơ quan thuế rà soát để kiểm tra, kiểm soát và quản lý chặt chẽ hơn.

Nếu hướng dẫn theo Luật Thuế giá trị gia tăng là 5%, trong công văn này có hướng dẫn là nếu như các cơ sở không thực hiện theo luật thuế khấu trừ (đầu ra trừ đầu vào) thuế thu nhập doanh nghiệp trên phần doanh thu trừ chi phí thì nộp thuế theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu.

“Theo Luật, thuế giá trị gia tăng là 5% và thuế thu nhập doanh nghiệp là 5%. Chế tài nào yêu cầu các doanh nghiệp phải nộp? Vì các doanh nghiệp này có văn phòng tại Việt Nam nhưng không hiện diện tại Việt Nam mà tại nước ngoài, vậy thì có cách nào quản lý và có chế tài nào?” Thứ trưởng Vũ Thị Mai đặt vấn đề.

Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, với quản lý thuế, Luật Quản lý thuế đã quy định cũng như trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng, đối với cơ sở lưu trú tại Việt Nam ký hợp đồng với tổ chức nước ngoài thì cơ sở lưu trú tại Việt Nam phải có trách nhiệm khấu trừ thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp và nộp thay cho tổ chức, cá nhân tại nước ngoài. Nếu như trường hợp không nộp thì bản thân cơ sở này phải chịu trách nghiệm, sẽ bị xử phạt theo quy định tại Luật Quản lý thuế.

Chế tài đã quy định đầy đủ và rõ ràng trong quy định của Luật Quản lý thuế. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng thấy rằng thương mại điện tử là vấn đề hết sức mới, do đó Bộ cũng chỉ đạo cơ quan thuế tiếp tục nghiên cứu để làm sao bao quát hết những vấn đề phát sinh mới để quản lý một cách chặt chẽ nhất.

Về việc những ngày trước và trong Tết vừa qua, một số tuyến thu phí như Pháp Vân-Cầu Giẽ xảy ra tình trạng tắc nghẽn kéo dài, tuy nhiên, các đơn vị thu phí không tiến hành mở lối cho xe qua để giải tỏa ách tắc, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường chia sẻ trong Nghị định xử phạt hành chính có quy định với các trạm thu phí, trong quá trình thu phí nếu ách tắc chiều dài trên 200m và trên 10 phút sẽ bị xử phạt và mức xử phạt có thể lên tới 70 triệu đồng.

Đối với tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ mật độ đi lại rất lớn. Được sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã tích cực mở rộng thêm sáu làn xe và dự kiến cuối năm 2017 sẽ mở rộng thêm sáu làn xe.

“Về các trạm thu phí, chúng tôi áp dụng thu phí tự động, trước mắt đang áp dụng với vé tháng, vé quý nên đi qua không phải dừng. Thêm nữa, chúng tôi đang mở rộng tối đa số làn, hiện nay tại trạm Pháp Vân là 18 làn và khi một bên tắc, một bên không tắc có thể điều chuyển các làn để cơ bản giải quyết ùn tắc. Trên thực tế trong những ngày Tết vừa rồi, chúng tôi theo dõi qua vệ tinh đặt tại trụ sở Bộ Công an thì thời gian ùn tắc rất ngắn, chỉ một lần khi có vụ tai nạn xảy ra nhưng đã xử lý kịp thời nên chưa đến mức xử phạt, chưa thể bắt họ dừng thu phí. Bộ Giao thông Vận tải làm rất chặt việc này, đặc biệt là trong thời gian kỳ nghỉ Tết vừa qua.Vừa rồi chúng tôi cũng bỏ trạm Đại Xuyên để xe chạy thông thoáng,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.