Nhân dịp hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) 2018 với chủ đề "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp 4.0" diễn ra trong các ngày 13-15/9/2018 tại Hà Nội, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch WEF Borge Brende về phát triển kinh tế-xã hội ASEAN trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (IR4).
- Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo những thay đổi mạnh mẽ và quyết liệt đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia thành viên ASEAN. Ông đánh giá như thế nào về thành tựu của các nước ASEAN trong bối cảnh các ứng dụng công nghệ-khoa học phát triển rất nhanh?
Chủ tịch WEF Borge Brende: Nhiều nước ASEAN đã phát triển kế hoạch cấp quốc gia mạnh mẽ về nền kinh tế kỹ thuật số như sáng kiến “Quốc gia thông minh” ở Singapore hay Thailand 4.0 ở Thái Lan. Đến nay, các kế hoạch này dường như tập trung vào hệ thống cơ sở hạ tầng và đây là một ý tưởng không tồi vì nếu không có cơ sở hạ tầng thích hợp thì không thể cạnh tranh được.
Một nước thực hiện khá tốt trong lĩnh vực này là Singapore. Trong báo cáo mới nhất của WEF có tiêu đề “Sự sẵn sàng kết nối,” Singapore là nền kinh tế hoạt động tốt nhất, có nghĩa là nước này sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) theo cách hữu hiệu nhất có thể để tăng cường sức cạnh tranh và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Kể từ đó, Singapore tiếp tục đạt được những bước tiến trong lĩnh vực này, ví dụ như chương trình giới thiệu các phương tiện giao thông tự hành.
Nếu chúng ta xem xét một quốc gia như Việt Nam theo góc độ “sự sẵn sàng kết nối” thì có thể thấy, Việt Nam có sức mạnh và nhiều cơ hội.
Một yếu tố rất tích cực ở Việt Nam là khả năng tham gia kết nối mạng Internet. Khả năng này càng cao thì càng có nhiều người trở thành một phần của IR4. Việt Nam thực hiện điều này rất tốt. Tuy vậy, hệ thống cơ sở hạ tầng của Việt Nam đáng tiếc là vẫn còn trì trệ và cần có sự cải thiện về môi trưởng sáng tạo.
Cuối cùng, điều đáng khích lệ là khu vực ASEAN đã đạt được một số thành tựu công nghệ lớn trong một vài năm qua. Nhiều doanh nghiệp nắm bắt được những cơ hội của IR4. Trong số này có SEA Group (Singapore), Go-Jek , Bukalapak, Traveloka và Tokopedia (đều của Indonesia), Grab (Malaysia) và VNG (Việt Nam). Điều này thể hiện tinh thần sáng tạo và dám nghĩ dám làm của doanh nghiệp đối với việc nâng cao sức cạnh tranh của ASEAN trong IR4.
- Các ứng dụng công nghệ-khoa học phát triển nhanh chóng đã trở thành mối nguy đối với việc làm của người lao động. Quan điểm của ông về nhận định này như thế nào? Lĩnh vực nào chịu tác động tiêu cực nhất của những thay đổi trên và lĩnh vực nào được hưởng lợi nhất?
Chủ tịch WEF Borge Brende: Tôi chia sẻ mối quan ngại rằng IR4 đặt ra nhiều thách thức đối với vấn đề việc làm, nhất là trong lĩnh vực chế tạo, vận tải và thậm chí là nhiều công việc có tính lặp đi lặp lại trong lĩnh vực dịch vụ như các loại công việc ở chi nhánh của các ngân hàng địa phương.
Tại ASEAN, các công việc trong ngành chế tạo là một vấn đề đáng quan ngại, cùng với đó là nhu cầu tạo việc làm. Ước tính, sẽ có 11.000 lao động tham gia thị trường việc làm mỗi ngày trong 15 năm tới tại khu vực ASEAN. Đây chắc chắn là thách thức lớn nhất đối với các nhà lãnh đạo ASEAN hiện nay.
Tôi tin rằng chúng ta sẽ vượt qua được kỷ nguyên thay thế này và chúng ta sẽ đạt được trạng thái việc làm gần như đầy đủ thông qua việc tạo ra nhiều công việc có ý nghĩa mới. Tất nhiên, việc tốt nhất mà bất kỳ quốc gia nào có thể thực hiện được vào lúc này là đảm bảo giới trẻ có cơ hội được đào tạo, giáo dục. Giáo dục Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) chắc chắn sẽ là một sự lựa chọn mang lại thắng lợi.
[Hội nghị WEF ASEAN 2018 mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp]
Chúng ta thấy rằng lĩnh vực chế tạo cao cấp cũng tiếp tục là một nguồn lực tạo nên sự khác biệt. Nếu các nước ASEAN có thể tiết kiệm việc sử dụng năng lực chế tạo xuất sắc và lao động chuyên môn cao của họ trong khi tiếp tục xây dựng các quan hệ thương mại tốt với các đối tác xuất khẩu như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và có thể là Bắc Mỹ, thì cũng không cần phải lo ngại về các công việc hiện tại có thể bị “lấy đi” trong lĩnh vực chế tạo.
- Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ gặp phải những thách thức gì trong việc bảo vệ môi trường và cộng đồng khu vực? Các nước ASEAN cần làm gì để cân bằng các lợi ích kinh tế và xã hội khi thiếu hụt nguồn tài chính?
Chủ tịch WEF Borge Brende: Đây là một câu hỏi rất hay, nhất là khi chúng ta chứng kiến sự gia tăng hiện tượng thời tiết cực đoan ở khu vực ASEAN và trên toàn cầu. Điều này chắc chắn là liên quan tới tình trạng biến đổi khí hậu và chúng ta cần nỗ lực tốt đa để giảm bớt những tác động này.
Chúng ta không thể tiếp tục tăng trưởng kinh tế không bền vững trong tương lai và điều này sẽ không chỉ là chủ đề chính tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN mà còn tại Hội nghị Ảnh hưởng Phát triển Bền vững mà chúng tôi sẽ tổ chức tại New York (Mỹ) vào cuối tháng Chín này.
Chúng ta đã thấy những cách thức ứng phó với biến đổi khí hậu như chiến dịch “Làm sạch đại dương,” trong đó một số công nghệ mới nhất được sử dụng để làm sạch đại dương với chi phí thấp.
Các nhà khoa học tiếp tục phát triển các hệ thống cảnh báo sớm về sóng thần với công nghệ đáng tin cậy hơn, nhanh hơn và cuối cùng là rẻ hơn. Trên nhiều lĩnh vực, tôi tin rằng tiến bộ công nghệ và tiến bộ môi trường có thể song hành.
- Ông đánh giá như thế nào về triển vọng của các doanh nghiệp khởi nghiệp ở ASEAN khi một số doanh nghiệp đã chứng minh có tiềm năng cao như Grab và GoJek? Các doanh nghiệp này sẽ giúp thay đổi nhận thức của người tiêu dùng trong khu vực ASEAN như thế nào?
Chủ tịch WEF Borge Brende: Tôi rất vui mừng khi chứng kiến các doanh nghiệp có sự thành công nổi bật như các công ty taxi công nghệ Grab và GoJek, là minh chứng về sự sáng tạo tiềm năng khởi nghiệp ở ASEAN.
Tôi cũng chú ý tới các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) như Lenddo (Singapore) và OnlinePajak (Indonesia), đều được chúng ta coi là “Người tiên phong công nghệ” hay Shoppee, một công ty con của SEA Group, Singapore.
Tất cả những doanh nghiệp này đều cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người tiêu dùng trong khi giảm thiểu chi phí và thời gian sử dụng dịch vụ.
Ví dụ, Lenddo đang cung cấp tín dụng cho người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ dựa trên mức độ tín nhiệm của họ, kể cả khi người tiêu dùng không có tài khoản ngân hàng. Shoppee cho phép chủ sở hữu các doanh nghiệp nhỏ tham gia một thị trường trực tuyến. Trong khi đó, Grab cũng rất thành công trong lĩnh vực vận tải với sự hỗ trợ của ứng dụng đặt xe trực tuyến.
Những gì mà các doanh nghiệp này đang làm là tạo ra một vòng tuần hoàn. Người tiêu dùng sử dụng chúng nhận được các lợi ích của những giải pháp kỹ thuật số và bắt đầu sử dụng chúng nhiều hơn.
Các giải pháp này thường tiết kiệm thời gian và tiền bạc hay có thể làm nhiều việc hơn so với trước đây. Vì vậy, nhu cầu đối với cơ sở hạ tầng kỹ thuật số gia tăng và ngày càng có nhiều người quan tâm tới công nghệ thông tin (IT) và công nghệ. Những câu chuyện thành công như vậy có thể giúp nhiều nước phát triển đầy đủ tiềm năng trong Cách mạng công nghiệp 4.0.
Không có gì ngạc nhiên khi các doanh nghiệp là một trong những chủ đề trọng tâm của các cuộc họp của ASEAN. Vì vậy, chúng tôi đã mời các doanh nghiệp khởi nghiệp và công ty năng động nhất tham gia các cuộc họp.
[Hình ảnh phiên khai mạc toàn thể Hội nghị WEF ASEAN 2018]
Chúng tôi mong muốn chứng kiến xem khu vực này có thể tăng cường hệ sinh thái sáng tạo và “nuôi dưỡng” nhiều hơn các câu chuyện khởi nghiệp thành công như thế nào. Chúng tôi cũng mong muốn biết nhiều hơn về các câu chuyện về sự thất bại và chuyển đối hoạt động của họ cũng như kết nối họ với các doanh nghiệp có tên tuổi và lãnh đạo chính phủ để giúp họ mở rộng hoạt động trên toàn khu vực.
- Giới trẻ ASEAN nên làm gì để trở thành người tiên phong trong sáng tạo doanh nghiệp và trở thành nhà lãnh đạo trong Cách mạng công nghiệp?
Chủ tịch WEF Borge Brende: Tôi khuyến khích giới trẻ bắt đầu khởi nghiệp nếu có thể, hay tham gia và hỗ trợ một doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển. Không có doanh nghiệp nào trong số những doanh nghiệp truyền thông xã hội thành công nhất, trong đó có Facebook, xuất hiện trước thời điểm cách đây 15 năm, và điều này cũng xảy ra tương tự đối với một số doanh nghiệp khởi nghiệp giá trị nhất thế giới, trong đó có Grab và Uber.
Tôi cũng mong muốn giới trẻ suy nghĩ về cách thức mà họ có thể sử dụng tinh thần doanh nghiệp theo các cách thức khác, bao gồm trong cả khu vực công. Sự thực là các quy định và mô hình quản trị linh hoạt cần được điều chỉnh cho phù hợp với giai đoạn hiện nay, nếu không thì nền kinh tế nói chung sẽ không thể tăng trưởng trong Cách mạng công nghiệp 4.0. Tôi thấy rất nhiều triển vọng và các nước ASEAN có thể ở trong tốp các quốc gia dẫn đầu thế giới về quản trị doanh nghiệp.
Cuối cùng, tôi muốn nói rằng, hãy đi và học hỏi, nếu bạn có thể. Các lĩnh vực STEM mới đang được tạo ra và nếu bạn học hỏi được các kiến thức về trí thông minh nhân tạo, tự động hóa, công nghệ chuỗi khối hay các ngành khoa học trong Cách mạng công nghiệp 4.0, bạn chắc chắn tạo ra một tương lai sáng cho bản thân và cũng là cho đất nước của bạn.
- Xin cảm ơn ông!./.