Chú trọng đào tạo nghề, tạo sinh kế cho lao động vùng cao

Những chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số giúp lao động vùng cao Lào Cai có việc làm ổn định, người dân chuyển đổi, có sinh kế để tăng thu nhập.
Chú trọng đào tạo nghề, tạo sinh kế cho lao động vùng cao ảnh 1Phụ nữ Dao Đỏ tại Lào Cai pha nước tắm cho khách trong mô hình Ngâm tắm lá Thuốc Nam gắn với Du lịch Cộng đồng. (Ảnh: Lục Hương Thu/TTXVN)

Tỉnh Lào Cai đã có nhiều chính sách đào tạo nghề cho lao động ở vùng cao, giúp họ tìm được việc làm, tự tạo sinh kế, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Tạo sinh kế cho lao động vùng cao

Ông Đinh Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết những chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số giúp lao động vùng cao Lào Cai có việc làm ổn định, người dân chuyển đổi, có sinh kế để tăng thu nhập.

Qua công tác đào tạo nghề, lao động vùng cao được nâng cao trình độ, hiểu biết, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Các địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo ngành nghề sát thực tế, nhu cầu học nghề của từng bộ phận người dân, địa phương.

Các khóa, lớp, chương trình đào tạo, danh mục nghề phù hợp cho lao động là người dân tộc thiểu số nhất là lĩnh vực nông nghiệp…

Ông Sùng A Tỷ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát cho biết, năm 2022, bà con trong xã được tạo điều kiện tham gia hai lớp đào tạo nghề về du lịch cộng đồng và kỹ thuật trồng nấm sò.

Sau khi được đào tạo, các học viên áp dụng và triển khai trồng nấm tại gia đình để tăng thu nhập. Lớp du lịch cộng đồng để đón đầu việc đẩy mạnh và phát triển du lịch tại địa phương.

[Những phụ nữ vùng cao bước ra khỏi màn sương để đi tìm hạnh phúc]

Qua lớp đào tạo, người dân được tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao nhận thức và hiểu biết xã hội để phát triển kinh tế gia đình, đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương.

Đối tượng được ưu tiên đào tạo là người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trong độ tuổi lao động, sau đó mở rộng cho thanh niên trong xã có nhu cầu.

Từ cuối tháng 6, xã phối hợp Trường Cao đẳng Lào Cai tiếp tục mở lớp kỹ thuật trồng nấm sò cho những học viên mới, chủ yếu là những chị ít ra xã hội làm việc, giúp họ có thêm thu nhập ngay tại nhà.

Đến dạy nghề cho học viên tại xã Trung Lèng Hồ, ông Bùi Quang Trung, Trường Cao đẳng Lào Cai cho biết, nội dung, phương pháp, hình thức dạy nghề bám sát thực tiễn, lấy người học là trung tâm và phù hợp với trình độ, nhận thức của bà con.

Mặc dù có những khó khăn nhất định nhưng qua đào tạo, học viên có khả năng ứng dụng được ngay trong cuộc sống, công việc hằng ngày…

Ưu tiên đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thực hiện đào tạo nghề cho lao động vùng cao, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đôn đốc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm xây dựng kế hoạch, triển khai kế hoạch tư vấn, tuyển sinh, đào tạo năm 2023.

Chú trọng đào tạo nghề, tạo sinh kế cho lao động vùng cao ảnh 2Sinh viên khoa Du lịch Trường Cao đẳng Lào Cai thực tập tại khách sạn 5 sao quốc tế Hotel de la Coupole-MGallery tại khu du lịch quốc gia Sa Pa. (nh: Quốc Khánh/TTXVN)

Đặc biệt, Sở chú trọng đào tạo nghề cho các đối tượng là người dân tộc thiểu số, người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, lao động nữ, hộ gia đình mất đất sản xuất, người chấp hành xong hình phạt tù...

Trong đó, Sở tập trung tổ chức tuyên truyền tại các xã nghèo, vùng cao có nhiều người lao động dân tộc thiểu số không có việc làm, lao động tự do, lao động từ các vùng dịch trở về đã quay trở lại thị trường lao động hoặc chuyển đổi việc làm.

Việc xã hội hóa công tác dạy nghề được đẩy mạnh theo hướng đa dạng các loại hình cơ sở, phương thức dạy và học, thực hiện liên doanh, liên kết với các trình độ đào tạo; phân luồng, khuyến khích học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông vào học nghề.

Việc xã hội hóa đã phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp dạy nghề và tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo được thụ hưởng thành quả trong công tác dạy nghề ở mức độ ngày càng cao.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đinh Văn Thơ, với những giải pháp đồng bộ, thiết thực, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Lào Cai chuyển biến tích cực.

Số lao động được học nghề ngày càng tăng, có việc làm ổn định, phù hợp với năng lực, sở thích và ngành nghề đào tạo. Qua đó, người lao động tăng thu nhập, tạo được sinh kế, phát triển kinh tế xã hội ở vùng nông thôn.

Theo thống kê, trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, 5.770 người được đào tạo trong 6 tháng đầu năm 2023, cao hơn cùng kỳ năm 2022 là 448 người; trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp là 1.250 người; sơ cấp và dưới 3 tháng là 4.520 người. Ước thực hiện năm 2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo mới, bồi dưỡng lại cho 11.500 người, đạt 100% kế hoạch năm.

Nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo nghề ở vùng cao, tỉnh chỉ đạo các trường nghề tiếp tục mở rộng lĩnh vực đào tạo để người lao động có thêm nhiều lựa chọn.

Trường Cao đẳng Lào Cai mở các lớp học ngắn hạn cho lao động vùng cao với các ngành nghề sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật trồng nấm sò, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, nghiệp vụ buồng, nhà hàng, kỹ thuật xây dựng, nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc gia cầm…

Năm học 2023-2024, Trường Cao đẳng Lào Cai đã thành lập thêm 4 khoa đào tạo nghề gồm Khoa Kinh tế, Khoa Du lịch, Khoa Công nghệ Thông tin và Ngoại ngữ, Khoa Khoa học cơ bản.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển, nhà trường sẽ đổi tên và thêm chức năng của hai đơn vị là Khoa Công nghệ ôtô và cơ khí (trước là Khoa Cơ khí động lực), Trung tâm Tuyển sinh và liên kết doanh nghiệp (trước là Trung tâm Tuyển sinh và liên kết hợp tác).

Với đặc thù trường dạy nghề vùng cao, tỷ lệ học sinh, sinh viên là con em đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, nhà trường luôn quan tâm giải quyết chế độ, chính sách cho các em...

Cùng với đó, nhà trường mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp. Các hoạt động hợp tác này đã và đang đi vào chiều sâu như hợp tác xây dựng chuẩn đầu ra; xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, tiếp nhận học sinh, sinh viên thực tập và tuyển dụng lao động vào làm việc; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp…

Nhờ đó, tỷ lệ học sinh, sinh viên của trường tốt nghiệp có việc làm đạt trên 80%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục