Chùa Bồ Đề phải ngừng nhận trẻ mồ côi vì không đủ điều kiện

Chùa Bồ Đề phải ngừng tiếp nhận trẻ mồ côi vì không đủ điều kiện

Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xung quanh vụ việc ở chùa Bồ Đề.
Chùa Bồ Đề phải ngừng tiếp nhận trẻ mồ côi vì không đủ điều kiện ảnh 1Tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại chùa Bồ Đề. (Ảnh: TTXVN)

Trước vụ việc xảy ra tại chùa Bồ Đề liên quan đến việc nuôi dưỡng, chăm lo, quản lý trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, ngày 7/8, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để đánh giá thực trạng điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tại ngôi chùa này cũng như về công tác quản lý các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập.

- Từ những thông tin ban đầu nhận được, ông đánh giá như thế nào về  điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng gần 100 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi tại chùa Bồ Đề?

Ông Tô Đức: Chùa Bồ Đề hiện đang nuôi dưỡng khoảng 116 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhưng chưa được cấp phép để trở thành cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập theo quy định của Chính phủ. Hiện tại, việc chăm sóc các cháu cũng chưa bảo đảm sự an toàn, vì vậy, trước mắt chùa Bồ Đề sẽ phải tạm dừng việc tiếp nhận những trường hợp trẻ em bị bỏ rơi.

Cục Bảo trợ xã hội đã chỉ đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập các đoàn kiểm tra để xác minh các vụ việc thông tin báo chí phản ánh, yêu cầu Sở phối hợp với Ủy ban nhân dân quận Long Biên làm việc với nhà chùa để nắm thực trạng, đề xuất các biện pháp giải quyết thỏa đáng cho các cháu.

Theo quy định tại Nghị định 68/2008/NĐ-CP của Chính phủ, diện tích phòng ở của các cơ sở bảo trợ xã hội bình quân là 6m2/trẻ. Đối với trẻ phải chăm sóc 24/24 giờ một ngày, diện tích phòng ở bình quân là 8m2/trẻ. Phòng ở phải được trang bị đồ dùng cần thiết phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của đối tượng.

Đối với cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng từ 25 trẻ trở lên phải có khu nhà ở, khu nhà bếp, khu làm việc của cán bộ nhân viên, khu vui chơi giải trí, hệ thống cấp, thoát nước, điện, đường đi nội bộ…

Như vậy, cơ sở vật chất hiện nay của chùa Bồ Đề không đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng gần 100 trẻ. Sau khi thanh tra, chắc chắn công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ và số lượng trẻ được nuôi dưỡng ở đây phải điều chỉnh lại.

- Vậy nếu giới hạn số lượng trẻ được chăm sóc ở chùa Bồ Đề thì những em bé còn lại sẽ đi về đâu, thưa ông?

Ông Tô Đức: Nếu trong trường hợp chùa Bồ Đề không có khả năng để được cấp phép trở thành cơ sở bảo trợ xã hội hoặc không thành lập cơ sở bảo trợ xã hội thì những nhóm đối tượng trẻ em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng ở đó phải được rà soát, phân loại.

Những trường hợp, các cháu có cha mẹ, người thân có thể đưa về gia đình, cộng đồng thì lập kế hoạch đưa về chăm sóc. Còn trường hợp chưa xác định được địa chỉ người thân, cha mẹ, các cháu sẽ được về các cơ sở bảo trợ xã hội công lập để chăm sóc, nuôi dưỡng.

 Điều quan trọng và ưu tiên hàng đầu hiện nay là bảo đảm cho các cháu được chăm sóc trong môi trường an toàn, tốt cho quá trình trưởng thành cả về nhân cách, thể chất, trí tuệ. Được sống trong môi trường hòa nhập sẽ tốt cho các cháu, không bị các hệ lụy như sống tách biệt với cộng đồng.

- Từ trường hợp của chùa Bồ Đề, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có biện pháp gì để kiểm tra, bảo đảm trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi được chăm sóc tốt như quy định pháp luật, thưa ông?

Ông Tô Đức: Thực hiện quy chế phối hợp giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ, hiện nay, Cục Bảo trợ xã hội đang phối hợp với Ban Dân tộc, Tôn giáo (Mặt trận Tổ quốc) xây dựng kế hoạch tổ chức rà soát lại hệ thống các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng hoàn cảnh đặc biệt như trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi. Tại các cơ sở chăm sóc xã hội của tôn giáo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam để thực hiện công tác này.

Trên cơ sở rà soát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ hướng dẫn các cơ sở tôn giáo chấn chỉnh lại công tác chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng yếu thế, bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời đánh giá, khảo sát các mô hình tôn giáo thực hiện tốt để khuyến khích, nhân rộng. Việc xây dựng kế hoạch và rà soát các hệ thống các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng yếu thế được thực hiện trong hai năm 2014-2015.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục