Chưa có đánh giá cụ thể về tác động của Brexit đối với kinh tế Anh

Chính phủ Anh vẫn chưa có đánh giá cụ thể về mức độ ảnh hưởng của việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đối với các lĩnh vực của nền kinh tế.
Chưa có đánh giá cụ thể về tác động của Brexit đối với kinh tế Anh ảnh 1Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh David Davis phát biểu tại thủ đô London ngày 21/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh David Davis ngày 6/12 cho biết chính phủ nước này vẫn chưa có đánh giá cụ thể về mức độ ảnh hưởng của việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đối với các lĩnh vực của nền kinh tế.

Phát biểu trước Ủy ban Brexit của Hạ viện Anh, ông Davis cho biết báo cáo dày 850 trang đánh giá về ảnh hưởng của Brexit đối với 58 lĩnh vực của nền kinh tế mà Chính phủ Anh trình lên ủy ban này mới chỉ là những phân tích tổng quan, chứ chưa dự báo về những ảnh hưởng đối với từng lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế Anh.

Thêm vào đó, báo cáo chưa đề cập tới những tác động của Brexit đối với các lĩnh vực như hàng không, chế tạo ôtô và dịch vụ tài chính. Ông khẳng định các phân tích này sẽ được thực hiện trong giai đoạn đàm phán thứ 2.

Trước đó, ông Davis tuyên bố nhiều khả năng các nhà thương lượng Anh và EU sẽ đạt được thỏa thuận trong các vòng đàm phán tiếp theo.​

[Ngày càng nhiều người Anh hoài nghi cách chính phủ đàm phán Brexit]

Tuy nhiên, London cũng đã chuẩn bị cho kịch bản không đạt được thỏa thuận.

Giới quan sát nhận định việc không đạt được một thỏa thuận bước ngoặt với EU trong ngày đàm phán 4/12 vừa qua giữa Thủ tướng Anh Theresa May​ và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker​ có nguy cơ làm đảo lộn thời gian cho các kế hoạch từ nay cho tới Hội nghị thượng đỉnh EU cũng như khiến các nước thành viên có ít thời gian hơn trong việc đưa ra các đường hướng đàm phán thương mại tương lai.

Trong khi đó, các thượng nghị sỹ của Anh cho hay nước này sẽ không thể đạt được một thỏa thuận về thương mại tự do với EU trước khi rời mái nhà chung châu Âu vào năm 2019.

Do vậy, Anh cần có một thời kỳ chuyển tiếp để tránh kịch bản xấu nhất là sẽ rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận nào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.